Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn sinh ngày 10 tháng 2 năm Mậu Tý (1228), niên hiệu Kiến Trung thứ 2 đời Trần Thái Tông (1225-1258), quê gốc ở thôn Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc, ngoại thành Nam Định. Thời Trần vùng đất này thuộc hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường. Người là con Khâm Minh Đại Vương An Sinh Vương Trần Liễu và bà Đoan Túc, cháu Trần Cảnh (vua Trần Thái Tông), thuộc dòng cả tôn thất nhà Trần.
Người sớm có tư chất thông minh, dáng mạo phương phi, mặt vuông, trán rộng, lại được cha tìm thầy giỏi trong thiên hạ về truyền dạy kinh sử, luyện rèn kiếm pháp. Lớn lên, Trần Quốc Tuấn đã thông thạo binh thư, đại lược văn võ, nhân triết thông tuệ, khoan dung độ lượng, kính trời yêu dân. Ông đã làm rạng rỡ thêm những trang sử vẻ vang cho đất nước. Giữa thế kỷ XIII, dưới triều đại Thành Cát Tư Hãn, đế quốc Nguyên - Mông là đội quân hùng mạnh nhất thế giới, vó ngựa từng chinh phục khắp Á, Âu. Tháng 12/1257, quân Nguyên Mông hung hãn mở cuộc chiến tranh lần thứ I xâm lược Đại Việt. Vua Trần Thái Tông xuống chiếu cho tả, hữu tướng quân đem quân thủy bộ ngăn giữ biên giới. Trần Quốc Tuấn lúc này mới ngoài 20 tuổi, nhưng ông đã được triều đình tin cậy, giao trọng trách chỉ huy. Chưa đầy một năm, quân giặc không cự nổi phải tháo chạy về nước. Trần Quốc Tuấn đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của quân dân Đại Việt chống quân xâm lược lần thứ nhất (1257-1258). Biết trước giặc Nguyên - Mông không từ bỏ âm mưu xâm chiếm Đại Việt, tháng 10 năm 1282, Vua Trần Nhân Tông ngự ra Bình Than (đoạn sông Lục Đầu chảy qua huyện Chí Linh) họp các vương hầu, trăm quan bàn kế sách đánh giặc giữ nước. Năm 1283, Trần Hưng Đạo được phong Quốc Công Tiết Chế tổng chỉ huy quân đội. Năm 1284, quân Nguyên - Mông mượn cớ đi đánh Chiêm Thành để tiến công xâm lược nước ta lần thứ II. Trước sức mạnh của quân giặc, Vua Trần Nhân Tông lo ngại, ướm hỏi Trần Quốc Tuấn "Trẫm muốn hàng để cứu sinh mạng muôn dân", Trần Quốc Tuấn liền tâu "Nếu bệ hạ muốn hàng, trước hết xin hãy chém đầu thần đi đã". Câu nói của ông đã củng cố tinh thần vua tôi nhà Trần, hun đúc chí khí quyết tâm chống giặc của binh sĩ, đồng thời với tài thao lược, hiểu ta, rõ địch dựa vào "Thiên cơ, địa lợi", Trần Quốc Tuấn đã chỉ huy trận Vạn Kiếp, tiêu diệt 20 vạn quân Nguyên, đánh bại cuộc xâm lược lần thứ II của Nguyên - Mông.
Năm 1287, giặc Nguyên rắp tâm xâm chiếm Đại Việt ta lần thứ III. Kế thừa binh pháp của cha ông, Trần Quốc Tuấn lợi dụng thế núi, hướng sông, dựa vào lòng dân để chống giặc. Tháng 1 năm 1288, quân Trần thắng lớn trận Vân Đồn. Tháng 4 năm 1288, thắng lớn trong trận Bạch Đằng và trận phục kích ở ải Nội Bàng ( Bắc Giang ), tiêu diệt hàng vạn quân địch, đánh bại ý đồ xâm lược của quân Nguyên.
Trần Quốc Tuấn là vị tướng hội đủ cả Trí, Dũng, Nghĩa, Tín và trên hết ông là nhân tướng. Ba lần đánh giặc Nguyên – Mông, ba lần Trần Quốc Tuấn lập công lớn.
Ông là một tướng tài, v à là một nhà mưu lược kiệt xuất. Ông từng soạn các sách như Binh gia diệu lý yếu lược (quen gọi là Binh thư yếu lược) và Vạn Kiếp tông bí truyền thư để dạy các tỳ tướng. Bài Hịch tướng sĩ của ông được xem là áng hùng văn thiên cổ, lời hiệu triệu quân dân đánh giặc có sức mạnh vô cùng to lớn, làm sáng ngời hào khí "Đông A". Vua Trần phong tặng là "Thái sư thượng phụ, thượng quốc công tiết chế, Nhân vũ Hưng Đạo Đại Vương" .
Đất nước thanh bình, Trần Hưng Đạo lui về sống tại phủ đệ Vạn Kiếp. Lúc lâm bệnh, hai tháng trước khi ông qua đời, vua Trần Anh Tông về thăm và hỏi kế sách giữ nước "Nếu chẳng may ông mất đi, giặc phương Bắc lại sang xâm lấn thì kế sách làm sao", Trần Hưng Đạo trả lời: "Thời bình phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước...".
Mùa thu tháng 8 ngày 20 năm Canh Tý, Hưng Long thứ 8 ( 1300 ) “Bình Bắc Đại nguyên soái” Hưng Đạo Đại Vương qua đời. Theo lời dặn lại, thi hài ông được hoả táng thu vào bình đồng và chôn trong vườn An Lạc, giữa cánh rừng An Sinh miền Đông Bắc, không xây lăng mộ, san phẳng trồng cây như cũ. Triều đình lập đền thờ ông tại Vạn Kiếp, Chí Linh, ấp phong của ông thưở sinh thời. Nhân dân ta lập đền thờ ở nhiều nơi để tưởng nhớ công lao to lớn của Hưng Đạo Đại Vương, và vinh tôn là Đức Thánh Trần.