Giáo dục kĩ năng sống (KNS) đã và đang là một vấn đề quan trọng trong việc giáo dục toàn diện cho học sinh. Ngành Giáo dục và Đào tạo cũng đã và đang có những định hướng tích cực để đưa kĩ năng sống vào giảng dạy tại các bậc học nhằm góp phần nâng cao định hướng giá trị và tạo lập hành vi phù hợp ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Là một giáo viên chủ nhiệm, tôi nghĩ mình cần phải có trách nhiệm giáo dục kĩ năng sống cho các em học sinh. Tôi đã đưa những chương trình giáo dục kĩ năng sống vào công tác chủ nhiệm một cách khá thành công trong các năm học gần đây. Bởi vậy, tôi xin chia sẻ tới các đồng nghiệp một số kinh nghiệm về “Giải pháp giáo dục kĩ năng sống cho học sinh THPT qua công tác chủ nhiệm” như sau:
*GVCN nắm rõ nội dung và mục tiêu của giáo dục kĩ năng sống
Theo cách tiếp cận khái niệm KNS qua 4 trụ cột của giáo dục của UNESCO, chúng ta cần tập trung rèn luyện cho học sinh phổ thông các nhóm KNS sau đây:
- Nhóm kĩ năng nhận biết và sống với chính mình, bao gồm các KNS cụ thể như tự nhận thức, xác định giá trị, ứng phó với căng thẳng, tìm kiếm sự hỗ trợ…
- Nhóm các kĩ năng nhận biết và sống với người khác: gồm các kĩ năng: giao tiếp cụ thể, giải quyết mâu thuẫn, thương lượng, từ chối, bày tỏ sự cảm thông, hợp tác…
- Nhóm các kĩ năng ra quyết định một cách có hiệu quả, bao gồm các KNS cụ thể như tìm kiếm và xử lí thông tin, tư duy phê phán, tư duy sáng tạo, ra quyết định, giải quyết vấn đề…
Những nội dung tạm thời phân chia như trên chỉ mang tính chất tương đối vì trên thực tế các KNS thường không hoàn toàn tách rời nhau mà có liên quan chặt chẽ đến nhau.
Mục tiêu giáo dục kĩ năng sống cho học sinh là:
- Trang bị cho học sinh những kiến thức, giá trị, thái độ và kĩ năng phù hợp. Trên cơ sở đó hình thành cho học sinh những hành vi, thói quen lành mạnh, tích cực, loại bỏ những hành vi, thói quen tiêu cực trong các mối quan hệ, các tình huống và hoạt động hàng ngày.
- Tạo cơ hội thuận lợi để học sinh thực hiện tốt quyền, bổn phận của mình và phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức.
*GVCN thực hiện đúng nguyên tắc giáo dục kĩ năng sống
Giáo viên chủ nhiệm cần nắm rõ nắm rõ và thực hiện 5 nguyên tắc về giáo dục kĩ năng sống cho học sinh:
- Tương tác: Các kĩ năng thương lượng, kĩ năng giải quyết vấn đề … được hình thành tốt trong quá trình học sinh tương tác với bạn bè và những người xung quanh, tạo điều kiện để các em có dịp thể hiện ý kiến của mình và xem xét ý kiến của người khác... Do vậy, giáo viên chủ nhiệm cần tổ chức các hoạt động có tính chất tương tác trong các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp để giáo dục kĩ năng sống cho các em.
- Trải nghiệm: Cần phải có thiết kế và tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cho HS được hoạt động thực, có cơ hội thể hiện ý tưởng, có cơ hội xử lí các tình huống cũng như phản biện…Kĩ năng sống chỉ được hình thành khi người học trải nghiệm qua thực tế và có kĩ năng khi các em được làm việc đó.
- Nguyên tắc tiến trình và nguyên tắc thay đổi hành vi: Giáo viên không thể giáo dục kĩ năng sống trong một lần mà kĩ năng sống là một quá trình từ nhận thức - hình thành thái độ- thay đổi hành vi. Thay đổi hành vi của một con người đặc biệt hành vi tốt là quá trình khó khăn. Do vậy giáo dục kĩ năng sống không thể là ngày một ngày hai mà phải là một quá trình và cần duy trì nó không thể là nửa vời được.
- Thời gian và môi trường giáo dục: Giáo dục giáo dục kĩ năng sống được thực hiện mọi lúc mọi nơi. Giáo dục kĩ năng sống được giáo dục trong mọi môi trường như gia đình, nhà trường, xã hội. Cần phải tạo điều kiện tối đa cho học sinh tham gia vào các tình huống thật trong cuốc sống.
*GVCN tổ chức các chuyên đề giáo dục kĩ năng sống trong giờ sinh hoạt lớp và qua hoạt động ngoài giờ lên lớp
Việc đưa giáo dục kĩ năng sống vào giờ sinh hoạt chủ yếu với cách làm sao cho tăng tính chủ động của học sinh trong lớp, phát huy khả năng từng cá nhân và nhấn mạnh trò của tập thể, để học sinh thấy được và luôn phát huy khả năng phối hợp của nhóm trong khi giải quyết các vấn đề chung. Giáo viên chủ nhiệm cần tổ chức giờ sinh hoạt lớp sao cho tăng tính chủ động của học sinh nhiều hơn nữa, nâng cao vai trò của tập thể lớp chứ không phải vai trò của một lớp trưởng.
Chẳng hạn, nhân dịp ngày Pháp luật Việt Nam, tôi hướng dẫn học sinh tổ chức giờ sinh hoạt chủ đề “Thanh niên với pháp luật”. Nhiệm vụ chuẩn bị cho giờ sinh hoạt được giao cho các tổ. Giờ sinh hoạt được diễn ra với các vòng thi: Hiểu biết về pháp luật, Trò chơi ô chữ, Luật gia tương lai, Tuyên truyền pháp luật, Câu chuyện pháp luật...
Như vậy, tổ chức các chuyên đề giáo dục kĩ năng sống chuyên biệt qua hoạt động ngoài giờ lên lớp sẽ giáo dục cho học sinh có những hiểu biết cơ bản về các kĩ năng và thực hành các kĩ năng giao tiếp, hợp tác, đảm nhận trách nhiệm, kĩ năng giải quyết vấn đề, …Ngoài ra, khi các hoạt động này đã thu hút các em, nó sẽ góp phần rất lớn trong việc giúp các em xa lánh tệ nạn xã hội, bạo lực học đường, lạm dụng game,…
*Giáo viên chủ nhiệm lồng ghép, tích hợp giáo dục kĩ năng sống vào các hình thức hoạt động khác
-
Hoạt động văn hóa nghệ thuật
Đây là một loại hình hoạt động quan trọng, không thể thiếu được trong sinh hoạt tập thể của học sinh THPT. Hoạt động này bao gồm nhiều thể loại khác nhau: Hát, múa, thơ ca, kịch ngắn, kịch câm, tấu vui, độc tấu, nhạc cụ, thi kể chuyện… Các hoạt động này góp phần hình thành cho các em kĩ năng mạnh dạn, tự tin trước đám đông. Đây là một trong những kĩ năng rất quan trọng trong xu thế toàn cầu hóa. Xác định được tầm quan trọng của hoạt động này, giáo viên chủ nhiệm cần thường xuyên vận động, khuyến khích các em tích cực tham gia.
-
Hoạt động vui chơi giải trí, thể dục thể thao
Vui chơi, giải trí là nhu cầu thiết yếu của học sinh, đồng thời là quyền lợi của các em. Nó là một loại hoạt động có ý nghĩa giáo dục to lớn đối với học sinh ở trường THPT. Hoạt động này làm thỏa mãn về tinh thần cho các em sau những giờ học căng thẳng, góp phần rèn luyện một số phẩm chất: tính tổ chức, kỉ luật, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái… Giáo viên chủ nhiệm cần tổ chức thực hiện có hiệu quả để đạt mục tiêu đã đề ra.
Giáo viên chủ nhiệm bước đầu đưa học sinh vào các hoạt động xã hội để giúp các em nâng cao hiểu biết về con người, đất nước, xã hội. Đây là một hoạt động tuy khó nhưng nó mang một ý nghĩa vô cùng to lớn. Đây là một loại hình đặc trưng của hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Thông qua lao động công ích sẽ giúp học sinh gắn bó với đời sống xã hội, với công cuộc xây dựng đất nước. Ngoài ra lao động công ích còn góp phần làm cho các em hiểu thêm về giá trị lao động, từ đó giúp các em có ý thức lao động lành mạnh. Các công việc lao động như: Trực nhật, vệ sinh lớp học, sân trường, làm đẹp bồn hoa, cây cảnh cho đẹp trường, lớp... Đây là hoạt động thật sự cần thiết giúp các em thích nghi với cuộc sống xung quanh. Sau này dù có rơi vào hoàn cảnh khắc nghiệt nào thì các em vẫn có thể tồn tại được. Hoạt động này cần được giáo viên chủ nhiệm thường xuyên tổ chức cho học sinh.
-
Hoạt động tiếp cận khoa học - kĩ thuật:
Đây là hoạt động giúp các em học sinh tiếp cận được những thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến của nhân loại, của đất nước, của địa phương. Điều đó sẽ tạo cho các em niềm tin, kích thích học tập và mong muốn đạt được kết quả tốt hơn. Nôi dung hoạt động này có thể là sưu tầm những bài toán vui, thi hỏi đáp về các hiện tượng của tự nhiên và xã hội, tìm hiểu các danh nhân, các nhà bác học, đố vui có thưởng… Đây là một hoạt động nhằm tạo điều kiện cho học sinh làm quen với việc nghiên cứu khoa học và tự khẳng định mình. Có thể nói đây là hoạt động mà giáo viên chủ nhiệm cần chú trọng.
* GVCN cho học sinh trải nghiệm các tình huống trong thực tiễn
Trong thực tiễn cuộc sống, có rất nhiều tình huống xảy ra khi học sinh tham gia các hoạt động như tập văn nghệ, lao động, giao tiếp với bạn bè, người lớn, thầy cô,…Nhiều khi các em không kìm chế được bản thân, sẽ bộc lộ thiếu sót của mình như nói năng tuỳ tiện, xử sự thiếu suy nghĩ, xung đột,... hoặc lúng túng, bế tắc trước những khó khăn, vướng mắc. Giáo viên chủ nhiệm cần hướng dẫn cho các em cách xử lí thích hợp. Chúng ta khéo léo nhắc nhở, nhẹ nhàng chỉ ra khuyết điểm hoặc kể một câu chuyện đạo đức, nêu một tấm gương tốt phù hợp để các em nhìn nhận và sửa chữa...Có những lúc gặp tình huống khó giải quyết của người khác, chúng ta cũng nên cho học sinh đặt vị trí của các em vào nhân vật đó để xử sự. Như vậy sẽ giúp cho các em làm quen với nhiều kĩ năng cụ thể trong cuộc sống.
*GVCN tham vấn, tư vấn cho học sinh
Ngoài các giải pháp trên, giáo viên chủ nhiệm cần tham vấn, tư vấn cụ thể cho từng em học sinh hoặc từng nhóm học sinh. Khi được tham vấn, tư vấn, các em có vốn hiểu biết cơ bản về kĩ năng sống và thấy được sự cần thiết của kĩ năng sống. Điều đó sẽ giúp các em tự tin hơn trong quá trình rèn luyện kĩ năng sống cho bản thân. Khi gặp một hành động thiếu kĩ năng sống, tuỳ theo hoàn cảnh và đối tượng học sinh mà giáo viên có thể tư vấn trực tiếp ngay lúc đó, cũng có lúc chúng ta nên chọn thời gian không gian hợp lí để tư vấn cho các em. Khi đó, các em lĩnh hội vấn đề dễ dàng hơn, hiệu quả hơn.
***********
Giáo dục kĩ năng sống cho học sinh không phải là công việc “một sớm, một chiều” mà đòi hỏi phải có quá trình, kiên nhẫn và bằng cả tâm huyết và ở mọi lúc, mọi nơi, thực hiện càng sớm càng tốt đối với trẻ em. Kĩ năng sống rất đa dạng, đòi hỏi người giáo viên chủ nhiệm phải vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo cho phù hợp với nhu cầu, trình độ của học sinh và đặc điểm, hoàn cảnh của nhà trường, địa phương.
Trên đây là một vài kinh nghiệm của tôi về vấn đề “Giải pháp giáo dục kĩ năng sống cho học sinh THPT qua công tác chủ nhiệm”. Tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của các đồng nghiệp để tôi ngày càng hoàn thiện hơn vai trò giáo viên chủ nhiệm của mình. Tôi xin chân thành cảm ơn!
GVCN : Hà Thị Thu Phương