Có nên đánh giá cực đoan
về giáo dục?
(GD&TĐ) - Ngày hôm qua,
GS. NGƯT Trần Hữu Dàng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Huế có khoe với tôi
rằng, anh vừa đọc một bài viết ở một tờ báo mạng nổi tiếng bởi những “tin
nóng”, nghiêng ở phía “vạch lá tìm sâu” hơn là hướng đến khía cạnh tích cực.
Vậy mà tờ báo này bỗng dưng có bài viết thừa nhận giáo dục Việt Nam có 3 cái
được, đó là: truyền thống hiếu học; cuộc thi đại học là một cuộc thi sàng lọc
để chọn người tài một cách nghiêm túc, đáng tin cậy; cải thiện năng lực ngoại
ngữ.
|
Ảnh
minh họa (gdtd.vn)
|
Thông tin bất ngờ từ vị
giáo sư đáng kính này làm tôi thật sự phấn khích, bởi cách đó chỉ vài ngày, tôi
nghe dư luận bạn đọc đề cập đến việc có bài báo nào đó đã phủ định một cách cực
đoan các thành quả giáo dục. Trong khi đó, Báo cáo của Chính phủ về tình hình
giáo dục tại các kỳ họp của Quốc hội cũng như những ý kiến phát biểu của Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 6 Khóa XI vào ngày
1/10 mới đây đã hâm nóng nhiệt huyết của toàn đảng, toàn dân hướng tới một nền
giáo dục đổi mới căn bản, toàn diện.
Tuy nhiên, đây đó vẫn có
tác giả bài viết bàn về giáo dục một cách đáng ngạc nhiên, khi tác giả bài viết
lại cho rằng: “Đổi mới theo kiểu gặp đâu làm đó thì sẽ không tránh được đầu Ngô
mình Sở, hiệu quả sẽ rất thấp kém”.
Đúng là thiếu thông tin
thật! Từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương “Nói không với tiêu cực trong
thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” không chỉ riêng ngành GD mà cả xã hội
cùng vào cuộc. Có biết bao nhiêu hội thảo, hội nghị từ trung ương tới địa
phương bàn thảo về đổi mới giáo dục, quy tụ được trí tuệ và tâm huyết của đội
ngũ. Tại các kỳ họp của Quốc hội, các đại biểu cũng đặc biệt quan tâm hiến kế
cho GD. Đảng, nhà nước ta bao lâu nay đã khẳng định “Giáo dục - đào tạo và khoa
học - công nghệ là quốc sách hàng đầu”, là mũi nhọn để phát triển kinh tế-xã
hội. Hội nghị Trung ương 6 Khóa XI của Đảng vẫn tiếp tục nhấn mạnh điều này.
Vậy mà ai đó lại nói giáo dục “gặp đâu làm đó”, “đầu Ngô mình Sở”?
Nếu tôi nhớ không lầm thì
đúng vào ngày 24/4/2012, báo chí đồng loạt đưa tin về việc Ngân hàng thế giới
(WB) trong báo cáo về nâng cao chất lượng giáo dục cho mọi người đã khẳng định GD
Việt Nam đạt nhiều thành tựu quan trọng, góp phần tích cực trong công cuộc xây
dựng và đổi mới đất nước. Báo cáo này chỉ ra rằng, tuy thu nhập bình quân đầu
người của Việt Nam chỉ bằng 1/7 của các nước khu vực Đông Á và Thái Bình Dương,
bằng 1/4 mức thu nhập trung bình của các nước có mức thu nhập trung bình, nhưng
tỷ lệ người biết chữ ngang bằng với hai nhóm nước này. Việt Nam đã đạt được
những tiến bộ vượt bậc liên quan tới trình độ học vấn kể từ đầu những năm 1990.
Những tiến bộ này chủ yếu diễn ra ở cấp tiểu học và trung học mặc dù khả năng
theo học đại học cũng đang dần tăng lên. Tỷ lệ HS nhập học cấp tiểu học hiện
nay đã gần đạt mức phổ cập....
Giáo dục đại học Việt Nam
26 năm qua đã đồng hành và cung cấp nhân lực trình độ cao cho quá trình đổi
mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sự phát triển vượt bậc về quy mô
nền kinh tế và nhiều ngành kinh tế mới, về xuất khẩu, việc ra đời hàng nghìn
doanh nghiệp mới, triển khai hơn 10.000 dự án đầu tư nước ngoài, sự gia tăng
mạnh mẽ lao động công nghiệp và dịch vụ đã đòi hỏi nền kinh tế phải được bổ
sung hàng trăm nghìn lao động có trình độ ĐH, CĐ, hàng vạn thạc sĩ và hàng
nghìn tiến sĩ. Cách đây một vài năm, một số báo đăng thông tin Intel Việt Nam
khi tuyển dụng lao động không tuyển được ai nhưng mới đây, trong một cuộc họp
báo, Tổng Giám đốc Intel đã phủ định điều đó và khẳng định: Đại bộ phận người
lao động làm việc cho Intel là do người Việt Nam đảm bảo, trong số đó có những
người giữ vị trí chủ chốt và hiện chuẩn bị được điều kiện có thể làm việc ở các
khu vực khác trên thế giới. Vào năm 2008, Tổ chức Diễn đàn kinh tế thế giới xếp
hạng về chỉ số cạnh tranh của Việt Nam là 120/141; đến năm 2011, xếp hạng về
chỉ số cạnh tranh của VN là 69, tăng 51 bậc. Tính theo thang điểm 5 của điểm
chất lượng GD, Việt Nam được Tổ chức Diễn đàn kinh tế thế giới xếp hạng từ chỉ
số 3,4 năm 2008 lên 3,7 vào năm 2011…
Còn rất nhiều tư liệu khác
để có thể minh chứng cho những thành tựu của GD Việt Nam thời kỳ đổi mới. Song
song với thành tựu đạt được, vẫn còn những yếu kém, bất cập mà ngành giáo dục
đã và đang tìm mọi giải pháp để khắc phục. Muốn phát triển tốt hơn, GD phải xác
định con đường đúng đắn để phát triển. Bởi vậy rất cần xem xét giáo dục một
cách khách quan, cẩn trọng để làm căn cứ xây dựng và triển khai đề án đổi mới
căn bản, toàn diện giáo dục. Có nên đánh giá cực đoan về giáo dục?
(Theo nguồn: http:\\hanoi.edu.vn)