Bệnh cúm A(H1N1); A(H5N1); A(H7N9) là bệnh viêm đường hô hấp cấp tính, lây truyền mạnh do virus gây ra, có khả năng lây nhiễm cho người dẫn đến viêm phổi nặng, tiến triển nhanh và có tỷ lệ tử vong cao. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Để chủ động phòng chống dịch cúm A(H1N1) -A(H5N1)-A(H7N9) nhà trường đề nghị các em học sinh tự theo dõi sức khỏe cho chính mình và cộng đồng. Để phòng, tránh bệnh, nhà trường lưu ý nhắc nhở một số yêu cầu sau:
1. Phát hiện biểu hiện bệnh:
- Sốt cao đột ngột (trên 380C)
- Đau ngực
- Khó thở.
- Kèm theo: Đau họng, ho, hắt hơi, sổ mũi, đau đầu, đau nhức cơ, mệt mỏi rã rời, nôn và tiêu chảy…
Khi gặp các biểu hiện trên, các thầy (cô giáo) và các em học sinh cần báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
2. Những điều lưu ý về phòng bệnh:
- Giữ gìn vệ sinh chung, mở cửa lớp học cho thông thoáng.
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, uống vitamin tổng hợp để tăng cường sức khỏe. Nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, tập thể dục thường xuyên.
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, súc miệng bằng nước muối sinh lý hàng ngày.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, đặc biệt là trước khi ăn, sau khi tiếp xúc với gia cầm. Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
- Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm: ăn chín, uống sôi, không ăn tiết canh, chỉ sử dụng thịt và các sản phẩm của gia cầm, gia súc có nguồn gốc rõ ràng và qua kiểm dịch.
- Khi phát hiện có gia cầm, gia súc ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
- Tránh tiếp xúc với người bị cúm. Đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách nếu phải tiếp xúc với người bệnh.
- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, sau đó hủy hoặc giặt sạch khăn ngay.
Đề nghị toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh toàn trường thực hiện tốt thông báo này để có những biện pháp ngừa bệnh và đảm bảo sức khỏe của mỗi người.
Xin trân trọng cảm ơn!