Đã thành thường lệ, hằng năm, cứ vào dịp tháng Tám, trước thềm năm học mới, thày trò trường Trýờng THCS-THPT Trần Quốc Tuấn lại hành hương về vùng đất thành Hoàng - Nam Định để dâng hương tưởng nhớ các vị vua nhà Trần và báo công trước tượng thờ người anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn về những thành tích mà nhà trường đã đạt được sau một năm học tập, phấn đấu rèn luyện và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, niềm tự hào của một ngôi trường mang tên Trần Quốc Tuấn.
Năm nay, chuyến đi còn là một sự kiện đặc biệt hơn, bởi đây cũng là một trong số các hoạt động của phóng sự đầy ý nghĩa về Nhà trường qua các thời kì phát triển để tiến tới kỉ niệm 15 năm ngày thành lập Trường (1999 - 2014). Chuyến đi dâng hương lần này, vì vậy, thực sự mang nhiều ý nghĩa sâu sắc.
Ngày 02/8/2014 (tức ngày 8/7 Âm lịch năm Giáp Ngọ), đúng 6h30, đoàn dâng hương khởi hành. 08h30, đoàn tới nơi, nghỉ ngơi, chuẩn bị các nghi thức cho buổi lễ bắt đầu - tại đền chính - đền Bảo Lộc. Cả đoàn thành kính, nghiêm trang bước vào khu vực chính Đền. Thày Hiệu trưởng dẫn đầu đoàn. Trước đền thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, mọi người đã thành kính, dâng hương, nguyện ghi nhớ công ơn của các anh hùng cứu nước, các bậc đế vương tôn kính của một triều đại huy hoàng trong lịch sử dân tộc. Đoàn cũng hứa sẽ luôn luôn học tập, phấn đấu để xây dựng Nhà trường phát triển, góp phần xây dựng, phát triển đất nước, xứng đáng với công lao của vị anh hùng dân tộc - Trần Quốc Tuấn.
Sau nghi thức thắp hương ở đền chính, đoàn đã đến dâng hương tại chùa Phổ Minh và đền thờ các vị vua nhà Trần.
Đền Thiên Trường, đền Cổ Trạch, chùa Phổ Minh là cụm di tích văn hóa nhà Trần nổi tiếng được tạo lập ngay trên đất dấy nghiệp của nhà Trần, thuộc thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng, tỉnh Nam Định. Đền được xây dựng trên nền đất Thái miếu cũ của nhà Trần đã bị quân Minh phá hủy vào thế kỉ 15. Đền Trần gồm 3 công trình kiến trúc chính là đền Thiên Trường (hay đền Thượng) , đền Cổ Trạch (hay đề Hạ) và đền Trùng Hoa. Cả ba đền đều có kiến trúc chung và quy mô ngang nhau. Mỗi đền đều gồm tòa nhà tiền đường 5 gian, tòa trung đường 5 gian và tòa chính tẩm 3 gian.
Đền Thiên Trường được xây trên nền Thái miếu và cung Trùng Quang của nhà Trần mà trước nữa là nhà thờ họ của họ Trần. Cung Trùng Quang là nơi các thái thượng hoàng nhà Trần sống và làm việc. Đền Trần hiện nay được dân địa phương xây bằng gỗ từ năm Chính Hòa thứ 15 (tức năm 1695). Các năm 1773, 1854, 1895, 1907-1908, đền được mở rộng và xây thêm. Đền Thiên Trường hiện tại gồm có tiền đường, trung đường, chính tẩm, siêu hương, 2 dãy tả hữu vu, 2 dãy hữu ống muống, 2 dãy giải vũ Đông Tây. Tổng cộng có 9 tòa, 31 gian. Khung đền bằng gỗ lim, mái lợp ngói, nền lát gạch.
Đền Cổ Trạch nằm phía Đông của đền Thiên Trường. Đền Cổ Trạch được xây vào năm 1894, là nơi đặt bài vị của Trần Hưng Đạo, gia đình và gia tướng. Tiền đường của đền là nơi đặt bài vị của 3 gia tướng thân tín của Trần Hưng Đạo: Phạm Ngộ, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Chế Nghĩa. Tòa trung đường đặt bài vị và tượng của Trần Hưng Đạo, bài vị 4 người con trai, của Phạm Ngũ Lão và các tả hữu tướng quân. Tòa chính tẩm là nơi đặt bài vị của cha mẹ Trần Hưng Đạo, của Trần Hưng Đạo và vợ, của 4 người con trai và 4 người con dâu của Trần Hưng Đạo.
Đền Trùng Hoa mới được chính quyền tỉnh Nam Định với sự hỗ trợ về kinh phí của chính phủ xây dựng từ năm 2000. Đền được xây trên nền cung Trùng Hoa xưa – nơi các đương kim hoàng đế nhà Trần về tham vấn các vị thái thượng hoàng, Trong đền Trùng Hoa có 14 pho tượng bằng đồng của 14 hoàng đế nhà Trần đặt tại tòa trung đường và tỏa chính tẩm.
Lễ hội ở đền Trần thường diễn ra 3 ngày, từ 13 đến 15 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Lễ hội mở đầu bằng lễ khai ấn bắt đầu từ giờ Tí. Thời gian gần đây, ngày càng nhiều người tới hành lễ tại đây vào dịp hội để xin được tờ ấn với mong ước sẽ được thăng tiến trong sự nghiệp; ở cả 3 đền trong đền Trần thường xuyên diễn ra các lễ hầu đồng hay lên đồng.
Di tích đền Trần linh thiêng sẽ mãi được các thế hệ thày trò trường Trýờng THCS-THPT Trần Quốc Tuấn vun đắp, giữ gìn. Đây cũng chính là lòng thành, là ý thức bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử vĩnh hằng của mỗi người con dân tộc Việt Nam.
Phạm Kiều
Tổ Ngữ văn-GDCD