Thư viện trường THCS – THPT Trần Quốc Tuấn
Xin trân trọng giới thiệu :
MÃI MÃI TUỔI HAI MƯƠI
TÁC GIẢ : Nguyễn Văn Thạc
Đặng Vương Hưng sưu tầm- giới thiệu
TK 55; 295 trang; 13 x 19cm; 25.000đ
Trong Nhật Kí thời chiến Việt Nam, tác giả Đặng Vương Hưng đã dành nhiều tâm huyết của mình để sưu tầm, giới thiệu những bút kí, nhật kí của những tấm gương anh dũng, quả cảm của thanh niên Việt Nam thời chiến trong đó nổi bật nhất là Mãi mãi tuổi hai mươi và Nhật kí Đặng Thùy Trâm. Hai tác phẩm đã trở thành một trong 10 sự kiện văn hoá tiêu biểu của Việt Nam năm 2005.
Mãi mãi tuổi hai mươi là những dòng tâm trạng, những hồi ức về một thời vô cùng vẻ vang của cha anh của những ngưòi đã ngã xuống, lấy máu đào tô thắm thêm trang sử oai hùng của dân tộc.
Nguyễn Văn Thạc sinh năm 1952 tại Hà Nội nhập ngũ 1971 và hy sinh tại chiến trường Quảng Trị năm 1972 khi chưa đầy 10 tháng tuổi quân và 20 tuổi đời. Cuốn Mãi mãi tuổi hai mươi có đầu đề do Nguyễn Văn Thạc đặt tên là Chuyện đời. Trong cuốn nhật ký này, Nguyễn Văn Thạc đã ghi lại những điều mà anh đã trải qua trong cuộc đời người lính ngắn ngủi, cả những điều anh cảm nhận được từ cuộc sống của những ngày còn là chàng sinh viên khoa Toán - cơ nhưng lại là học sinh đạt giải nhất trong kỳ thi học sinh giỏi môn Văn của Miền Bắc năm 1969 - 1970. Chính vì vậy, khi đọc nhật ký của Nguyễn Văn Thạc ta như được đọc một tác phẩm văn học với nhiều hình thức thể hiện khác nhau: tự sự, trữ tình, chính luận...“Chân bước trên rơm thơm, khó ai định liệu được mình còn ao ước sống nào hơn thế nữa. Mặc dù hạnh phúc ấy mỏng manh như chính số người nhận ra cảm xúc ấy là hạnh phúc của cuộc đời..." "Cuộc sống của đất nước còn nhiều lam lũ lắm,vậy mà những chiếc lá tre kia vẫn dịu dàng, vẫn đưa ta vào cõi êm ả của tâm hồn, thật lạ biết bao!”. Đó không còn là trang nhật kí bình thường, đó là những cảm nhận tinh tế của một tâm hồn nhạy cảm. "Bất kì một sự vinh quang nào cũng cần phải trả bằng một giá và khó khăn gian khổ càng nhiều thì vinh quang đó càng trở nên rực rỡ. Chúng ta đừng đi tìm những chân lý sâu xa mà đơn thuần qua những áng văn, bài thơ và những bài toán. 30/4/1975 T sẽ trả lời cho P câu : Hạnh phúc là gì ? (T & P là quy ước gọi của 2 người T (Thạc) và P (Phạm Thị Như Anh). Quan niệm về hạnh phúc thật không ai giống ai. Hạnh phúc là gì? con gái Các-Mác đã có lần hỏi ông và Các-Mác đã trả lời con gái: Hạnh phúc là đấu tranh, một nhà thơ đã viết : Hạnh phúc là gì bao lần ta lúng túng, hỏi nhau hoài mã nghĩ mãi chưa ra còn Thạc thì hẹn với người bạn gái của mình sẽ trả lời câu hỏi đó vào ngày 30/4/1975. Như vậy, ngay từ những ngày đầu nhập ngũ, Thạc đã tiên đoán ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước là ngày 30/4/1975, đó là ngày hạnh phúc nhất. Thật tiếc thay, lời tiên đoán đã trở thành hiện thực, còn anh đã vĩnh viễn ra đi.
Mãi mãi tuổi hai mươi cho ta thấy được vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp anh dũng của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, chàng sinh viên khoa Toán- cơ lãng mạn, tài hoa. Vẻ đẹp ấy đã viết nên những trang sử vẻ vang của cả một dân tộc trong cuộc kháng chiến thần thánh thời kì kháng chiến chống Mỹ.
Cuốn sách được xuất bản góp phần giúp cho bạn đọc, đặc biệt là các bạn đọc trẻ có thể tự hào về một thế hệ thanh niên đi trước mà vững bước hướng tới tương lai. Đó cũng là tâm nguyện mà liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc hằng ấp ủ mà chưa thể thực hiện được.
Hiện nay sách đã có mặt trong Thư viện nhà trường. Các thầy cô và các em có thể mượn tại thư viện nhà trường hoặc mua ở các hiệu sách.
THƯ VIỆN