Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ.
Đối với mỗi người dân Việt Nam mỗi khi nhắc đến hai tiếng thiêng liêng "Bác Hồ" thì không ai không xúc động bồi hồi, lòng dâng trào những cảm xúc khó tả. Cảm xúc ấy giống như mạch nước ngầm thẩm thấu chân thành đến tận cùng những tâm hồn xa lạ.
Bác Hồ - Vị cha già vô vàn kính yêu của chúng ta cả cuộc đời hi sinh cho dân tộc cho sự nghiệp cách mạng. Người không chỉ khai sinh ra một nước Việt Nam tự do, độc lập mà còn là người chiến sĩ kiên cường của cách mạng thế giới, một danh nhân văn hóa. Chính vì thế Bác luôn là hình mẫu lý tưởng trong việc hình thành nhân cách, lý tưởng cách mạng của mỗi người dân Việt Nam và cũng là hình mẫu cho nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật giá trị.
Nhân dịp kỉ niệm “41 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2016) và 126 năm ngày sinh Chủ Tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2016)” và tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Thư viện nhà trường xin trân trọng giới thiệu đến các thầy cô giáo và các em học sinh cuốn sách BÚP SEN XANH của tác giả Sơn Tùng, do nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. Sách dày hơn 300 trang, khổ 13 x 19 cm. Trang bìa gam màu xanh của lá nổi bật biểu tượng bông sen trắng cách điệu tượng trưng cho sự tinh tuý thanh cao đáng trân trọng. Cuốn tiểu thuyết ra đời là một thành công lớn của nền văn học Việt Nam khi xây dựng chân thực hình tượng vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam.
BÚP SEN XANH đưa chúng ta về với miền quê Việt Nam thân thương quen thuộc với lũy tre, giếng nước, đầm sen... với không gian xưa của mảnh đất Nam Đàn xứ Nghệ vào những năm đầu của thế kỷ XX. Mảnh đất thiêng liêng đó đã sinh ra cậu bé Nguyễn Sinh Cung thông minh, nhanh trí, cốt cách hơn người. Nhà văn đã làm sống lại cuộc đời và sự nghiệp của Bác giữa một làng quê tuy nghèo khó nhưng giàu truyền thống yêu nước, đoàn kết, gắn bó nghĩa tình và đặc biệt Người được sinh ra trong gia đình nho giáo nề nếp, gia phong. Bằng cái nhìn biện chứng về mối quan hệ giữa con người với truyền thống lịch sử, văn hóa. Tác giả đã thành công khi dựng lại quãng đời niên thiếu của Bác Hồ một cách sinh động, thể hiện quá trình hình thành tính cách của bậc vĩ nhân mà tầm tư tưởng đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia, được cả thế giới ngưỡng mộ. Sinh ra và được giáo dục trong một gia đình nho học nghèo yêu nước, luôn gần gũi với nhân dân lao động được truyền thống quê hương hun đúc. Từ khi còn là cậu bé Côn thông minh, hiếu thảo, ham hiểu biết đã dần dần hình thành chí lớn đi tìm đường cứu nước và trở thành lãnh tụ cách mạng giàu nhân cách sau này. Tuổi thơ của cậu bé Côn vừa được tắm mình trong môi trường quê hương, vừa được sự giáo dục của người cha nghiêm khắc và mực thước. Điều đó góp phần hình thành tính cách tốt đẹp của Côn sau này. Ngay từ nhỏ, Côn đã ham đọc sách, yêu thơ và có tài làm thơ. Nghe lỏm cha đàm đạo việc cứu nước với cụ Phan Bội Châu, cậu bé Côn đã thấm nỗi nhục mất nước. Cậu đã suy nghĩ phải tìm con đường cứu nước cho dân tộc. Qua ngòi bút Sơn Tùng, Bác Hồ thời niên thiếu hiện lên với nét thông minh hơn người bản lĩnh độc đáo, Bác tự rèn luyện, học tập, tu dưỡng, tiếp thu tinh hoa dân tộc. Bạn đọc không thể quên được mốc lịch sử ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước ngày 5 tháng 6 năm 1911. Hình ảnh chia tay của anh Ba với những người công nhân bến cảng Nhà Rồng như còn ngưng đọng trong trái tim người đọc với tình thương bao la rộng lớn.
Với tấm lòng kính yêu lãnh tụ vô hạn, Sơn Tùng trung thành với sự thật lịch sử và đã thể hiện thành công tính cách nhân vật chính. Một số chi tiết và nhân vật phụ cũng được thể hiện một cách sáng tạo góp phần khắc hoạ rõ nét tính cách nhân vật trung tâm, thể hiện rõ chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Nhân vật Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Bác Hồ, là một nhà trí thức yêu nước, học giỏi tuy đã ghi danh bảng vàng, vẫn canh cánh trong lòng nỗi đau nước mất nhà tan. Ông gửi gắm niềm tin vào con trai, hy vọng Nguyễn Sinh Côn sẽ thay ông thực hiện lý tưởng tìm đường cứu nước. Ông chăm lo giáo dục con, khích lệ con thực hiện hoài bão lớn lao. Qua nhân vật này, tác giả đã làm sống lại không khí một giai đoạn lịch sử giao thời giữa hai thế hệ đang tìm đường cứu nước. Tác phẩm còn đề cập tới một loạt nhân vật lịch sử có thật như Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân, Vương Thúc Quý… Mỗi nhân vật mang một nét riêng, nhưng tất cả tạo nên bức tranh toàn cảnh về một lớp người trí thức yêu nước cuối thế kỷ XX. BÚP SEN XANH cũng làm sống lại những nét sinh hoạt văn hoá truyền thống của dân tộc. Đó là tính hiếu học, tình thầy trò, tình làng nghĩa xóm, tình bạn… Những sinh hoạt văn nghệ dân gian như hát phường vải, múa đèn, hát xẩm…
BÚP SEN XANH là tiểu thuyết đầu tiên viết về Bác. Qua câu chuyện về một gia đình trí thức yêu nước, tác giả nói đến số phận của dân tộc trong một giai đoạn lịch sử cụ thể. Tác phẩm ra đời để lại nhiều dấu ấn đặc biệt bởi sự thành công về nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm, góp phần tích cực vào việc giáo dục, động viên thế hệ trẻ Việt Nam nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với vận mệnh Tổ quốc, rèn luyện bản thân thành người có phẩm cách lớn. Tác phẩm giúp chúng ta hiểu sâu hơn về cuộc đời của Bác - Vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Nói như Sơn Tùng “Tất cả sự vĩ đại của Bác nằm ở nền móng đạo đức”. Nền móng ấy được xây dựng ở truyền thống gia đình và quê hương và sự nỗ lực rèn luyện của Bác trong suốt cả cuộc đời vì dân, vì nước. Bằng những trang văn vô cùng xúc động, tác phẩm đã lay động những tình cảm kính yêu, ngưỡng mộ vị lãnh tụ vĩ đại của mỗi người dân Việt Nam và bạn bè bốn phương về một tấm gương sáng ngời nhân cách, một tâm hồn yêu nước nồng nàn, một nhân cách cao đẹp, trí tuệ hơn người và tấm lòng nhân từ độ lượng. Mỗi người sẽ có được những bài học cho riêng mình từ một vị lãnh tụ đáng kính mà gần gũi, thân thương. Hiếm có một cuốn tiểu thuyết của Việt Nam nào lại được tái bản đến 20 lần, với hơn 40 vạn bản in và được dịch ra song ngữ Việt - Anh để giới thiệu với bạn bè quốc tế, được dựng thành kịch bản phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”, một bộ phim lôi cuốn người xem..
Có thể khẳng định rằng cuốn tiểu thuyết là một món quà thiêng liêng mà tác giả Sơn Tùng nói riêng, người dân Việt Nam nói chung kính dâng lên Bác. Mong rằng thế hệ trẻ các em cố gắng học tập, tư duy độc lập, tinh thần tự học, rèn luyện nhân cách và xây dựng ước mơ, lý tưởng cho bản thân, các em học sinh sẽ cảm nhận được những nét đẹp quý giá từ tuổi thơ và tâm hồn của Bác Hồ.
Trân trọng kính mời các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh tìm đọc để hiểu sâu thêm về Bác Hồ kính yêu của chúng ta.
Ban Hành chính: Bùi Thị Kim Dung