Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa trao Cờ thi đua xuất sắc của UBND TP cho các đơn vị.
Năm học 2016 - 2017, quy mô giáo dục của Hà Nội tiếp tục được ổn định và phát triển mạnh với 2.669 trường học và các cơ sở giáo dục, trên 1,8 triệu học sinh, 104.605 giáo viên các cấp học (tăng 42 trường, 95.247 học sinh và 7.204 giáo viên so với cùng kỳ năm trước).
Chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục phát triển. Việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy được đẩy mạnh ở tất cả các cấp học, ngành học. Học sinh Thủ đô giành nhiều thành tích ấn tượng trong các cuộc thi quốc gia, quốc tế. Năm học này, tại kỳ thi HSG Quốc gia, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu toàn quốc về số lượng và chất lượng giải với 146 giải (trong đó có 11 giải Nhất). Trong các kỳ thi Olympic Quốc tế, học sinh THPT giành được 21 giải và Huy chương gồm 6 HCV, 7 HCB, 3 HCĐ và 5 giải Khuyến khích. Ở các cuộc thi quốc tế và khu vực dành cho học sinh cấp THCS, học sinh Hà Nội đã giành được hơn 160 Huy chương các loại. Tại kỳ thi THPT quốc gia của Thành phố năm 2017 có 60.559 thí sinh đỗ tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 99,36%.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung trao Cờ thi đua xuất sắc của UBND TP cho các đơn vị.
Không chỉ giỏi về văn hóa, học sinh Thủ đô còn tích cực và nổi bật trong các hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ và các hoạt động khác với thành tích xuất sắc tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ IX năm 2016 và Hội thao Giáo dục quốc phòng an ninh học sinh THPT toàn quốc lần thứ II năm 2017 (ngành GD&ĐT Hà Nội giành giải Nhất toàn đoàn).
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của Thủ đô có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, tỷ lệ giáo viên đứng lớp ở các bậc học, cấp học 100% đạt chuẩn, trong đó tỷ lệ trên chuẩn giáo viên mầm non là 63,5%; Tiểu học: 92,6%; THCS: 79,4%; THPT: 28,6%.
Kết quả việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia là một điểm nhấn của ngành GD&ĐT Thủ đô trong năm học vừa qua. Tỷ lệ trường đạt CQG toàn Thành phố là 48,5% (1.249/2.576 trường), trong đó: công lập là 57,3% (1.214/2.117 trường). Ngành đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học theo hướng tập trung, rõ mục tiêu, kết hợp kiên cố hóa với chuẩn hóa và hiện đại hóa.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy HN Nguyễn Văn Phong trao Bằng khen của UBND TP cho các tập thể.
Đáng chú ý, việc ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy và học đã có nhiều đổi mới. Sở GD&ĐT Hà Nội đã triển khai thực hiện việc tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 từ năm học 2016-2017 trên toàn thành phố, đánh dấu sự quyết tâm trong việc thực hiện chủ trương của Chính phủ về ứng dụng CNTT trong đổi mới quản lý, điều hành và cải cách thủ tục hành chính, góp phần tăng cường tính minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân Thủ đô. Từ năm học 2016 – 2017, Sở áp dụng quy chế quản lý và sử dụng sổ điểm điện tử ở tất cả các trường THCS, THPT và Trung tâm GDTX trên toàn thành phố. Với khoảng 1 triệu học sinh phổ thông, Hà Nội đang tiến tới việc quản lý điểm, học bạ điện tử, kết nối với Cổng thông tin của thành phố và có thể cung cấp tài khoản cho phụ huynh truy cập bất cứ lúc nào để có thể theo dõi tình hình học tập, rèn luyện của con em mình ngay từ năm học này.
Trong năm học vừa qua, ngành GD&ĐT Thủ đô tiếp tục chủ động đẩy mạnh hoạt động hợp tác và giao lưu quốc tế. Được sự phê duyệt của UBND TP Hà Nội, từ năm học 2017-2018, ngành GD&ĐT Hà Nội thí điểm chương trình giáo dục song bằng THPT Việt Nam và A Level của CIE, Anh quốc tại trường THPT Chu Văn An. Sở đang tích cực hoàn thiện các đề án đăng cai tổ chức thi Olympic quốc tế tại Thủ đô Hà Nội; cuộc thi Toán học Hà Nội mở rộng (HOMC) dành cho học sinh lớp 10 THPT và lớp 8 THCS có sự tham gia của học sinh quốc tế từ năm 2018. Đăng cai tổ chức kỳ thi Olympic Toán và Khoa học quốc tế dành cho học sinh tiểu học lần thứ 16 (IMSO) tại Việt Nam vào năm 2019.
Năm học 2017-2018, ngành GD&ĐT Hà Nội sẽ tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ chủ yếu như: Rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục; Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; Đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông, đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý giáo dục; Thực hiện kỷ cương hành chính và cải cách công vụ; Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo…
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ trao Giấy khen của Sở GD&ĐT cho các Phòng GD&ĐT có chỉ tiêu đạt xuất sắc.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã ghi nhận và đánh giá cao những thành tích xuất sắc mà ngành GD&ĐT Thủ đô đạt được trong năm học vừa qua. Đồng chí khẳng định: Giáo dục đào tạo của Hà Nội với sự phát triển, đi đầu trong việc ứng dụng CNTT, hội nhập quốc tế nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo đã phục vụ hiệu quả chương trình phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô góp phần to lớn vào thành tích chung của giáo dục và đào tạo của cả nước. Đồng chí đề nghị: Để năm học 2017-2018 đạt được những kết quả tốt hơn, cùng với việc triển khai thực hiện có hiệu quả 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp trong Chỉ thị 2699/CT-BGDĐT ngày 8/8/2017 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, ngành GD&ĐT Hà Nội cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ như: Tiếp tục rà soát quy hoạch mạng lưới cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội; Nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục đào tạo, đặc biệt đảm bảo sự đồng đều giữa các khu vực, giữa ngoại thành với nội thành. Cần tập trung rà soát quy hoạch và xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2025 theo định hướng đảm bảo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học, chất lượng mũi nhọn; Tăng cường thực hiện đổi mới đồng bộ phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá. Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị văn hóa xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ của cả nước, vì vậy cần chú trọng gắn hoạt động dạy học trong nhà trường với hoạt động sản xuất, kinh doanh trong vùng nhất là sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ; tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, đổi mới dạy và học; Tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, tranh thủ mọi nguồn lực phát triển mạnh mẽ giáo dục. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục đào tạo; Để tăng cường công tác hướng nghiệp, định hướng phân luồng cho học sinh sau THCS, THPT cần phối hợp với các trường ĐH, CĐ thực hiện việc dạy nghề cho học sinh; đa dạng các loại hình đào tạo nhằm tạo việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp THCS, THPT có thể tham gia thị trường lao động ngay tại địa phương; Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo…
Biểu dương những thành tích, bước chuyển biến rõ nét về chất lượng và hiệu quả giáo dục của ngành GD&ĐT Thủ đô trong năm học 2016 – 2017; bước vào năm học mới 2017-2018, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đề nghị ngành GD&ĐT Thủ đô tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục những tồn tại, tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm: đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Xây dựng được nhiều mô hình mới về giáo dục và đào tạo, nhiều gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực giáo dục để nhân rộng trong toàn ngành.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị ngành tiếp tục quan tâm, chú trọng việc bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, đặc biệt trong đổi mới phương pháp dạy và học gắn với việc xây dựng trường học điện tử; tuyển sinh đầu cấp, chương trình giáo dục, công tác thi, kiểm tra và đánh giá kết quả học sinh. Lãnh đạo TP Hà Nội đề nghị các nhà trường tăng cường giảng dạy chương trình kỹ năng sống cũng như quan tâm đến sức khỏe học đường. Đặc biệt, trong thời điểm dịch sốt xuất huyết đang diễn ra, đồng chí Nguyễn Đức Chung đề nghị các trường phối hợp chặt chẽ với các BCĐ quận, huyện có phương án phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe học sinh…
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ khẳng định: Năm học 2017 – 2018, ngành GD&ĐT Hà Nội sẽ thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, của thành phố Hà Nội và quyết tâm triển khai thực hiện có hiệu quả trong năm học 2017-2018. Đồng chí đề nghị các phòng giáo dục, các nhà trường tiếp tục triển khai sâu rộng Nghị quyết 29/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo phát huy năng lực của học sinh, tiệm cận chương trình phổ thông mới. Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đặc biệt là chất lượng đội ngũ, tạo động lực làm việc cho các thầy cô giáo. Chuẩn bị điều kiện mọi mặt đón năm học mới, tất cả các nhà trường sẽ đồng loạt tổ chức khai giảng vào ngày 5/9.
Nhân dịp này, UBND TP Hà Nội đã tặng Cờ “Đơn vị xuất sắc phong trào thi đua” cho 44 tập thể; tặng danh hiệu “Tập thể xuất sắc” cho 375 tập thể và tặng Bằng khen cho 85 tập thể và 128 cá nhân đã có thành tích trong năm học vừa qua.
Ngay sau hội nghị này, các cấp học, ngành học cũng tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới 2017-2018.
Tác giả: Tạp chí Giáo dục Thủ đôNguồn tin: Tạp chí Giáo dục Thủ đô