79 năm truyền thống Quân đội Nhân dân Việt Nam
Sau hơn một năm bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam giữ, cuối năm 1944, Hồ Chí Minh trở về nước. Sau khi phân tích tình hình cũng như thực tiễn của cách mạng Việt Nam, riêng về mặt quân sự, Người đánh giá “lực lượng vũ trang của ta đã ít lại dễ phân tán, thiếu hẳn một lực lượng nòng cốt”. Chính thực tiễn đó đã đặt ra vấn đề cần phải “tập trung những cán bộ và chiến sĩ anh dũng nhất, những vũ khí tốt nhất, tổ chức ra một đội vũ trang tập trung, một đội quân chủ lực để hoạt động, đội vũ trang đó là Đội Quân giải phóng”. Hồ Chí Minh tin tưởng giao nhiệm vụ này cho đồng chí Võ Nguyên Giáp.
Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 22 tháng 12 năm 1944, tại núi Dền Sinh dãy Khau Giáng thuộc xã Tam Kim và Hoa Thám huyện Nguyên Bình - tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ra đời gồm 34 chiến sĩ, biên chế thành 3 Tiểu đội do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Vũ khí trang bị cho Đội có 2 súng thất cửu, 17 súng trường, 14 súng kíp. Hai ngày trước lễ thành lập có một số vũ khí gồm 1 súng tiểu liên do Mĩ sản xuất, 150 viên đạn, 6 quả bom lửa, 1 hộp nổ do ông bà Tống Minh Phương và anh em Việt kiều ở Côn Minh gửi tặng.
Dưới lá cờ đỏ sao vàng, toàn Đội đã long trọng tuyên đọc Mười lời thề danh dự, quyết tâm chiến đấu, hi sinh đến giọt máu cuối cùng vì sự nghiệp cách mạng, kiên quyết tiêu diệt quân thù, hết lòng hết dạ phục vụ nhân dân, tinh thần đoàn kết và ý thức tổ chức, kỉ luật cao của một đội quân cách mạng. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Ngay sau ngày thành lập, ngày 25 tháng 12 năm 1944, đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy các chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tập kích diệt gọn hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần lập chiến công đầu tiên.
Sau sự kiện Hồng quân Liên Xô phản công tiêu diệt phát xít Đức và Ý giải phóng các nước Đông Âu, Mĩ ném hai quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản, ngày 14 tháng 8 năm 1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện khiến quân Nhật tại Việt Nam dao động. Trước tình hình thế giới có lợi cho ta, ngày 16 tháng 8 năm 1945, Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Tân Trào về Hà Nội. Tại số nhà 48 Hàng Ngang, Người soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập và chuẩn bị cho sự ra mắt quốc dân của Chính phủ lâm thời.
Ngày 2/9/1945, tại vườn hoa Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ mới ra đời đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn: ngân quỹ trống rỗng, thù trong giặc ngoài, tài nguyên cạn kiệt, mùa màng thất bát do lũ lụt, nạn đói hoành hành, 95% dân số mù chữ do chính sách ngu dân của thực dân Pháp. Sau Lễ Độc lập, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ra những giải pháp diệt giặc dốt, giặc đói và giặc ngoại xâm.
Không từ bỏ dã tâm xâm lược nước ta, đầu năm 1946, Pháp đưa quân ra Hải Phòng rồi từ Hải Phòng đánh chiếm Hà Nội. Ngày 19 tháng 12 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Cuộc kháng chiến chống Pháp chính thức bùng nổ!
Dưới sự dìu dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với phương châm tác chiến và nghệ thuật quân sự đặc sắc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: lấy ít địch nhiều, lấy yếu chế mạnh, lấy thô sơ thắng hiện đại, kết hợp nghệ thuật chiến tranh nhân dân với nghệ thuật chiến tranh hiện đại, luôn chủ động trên chiến trường,... qua tôi luyện, Quân đội Nhân dân Việt Nam trở thành một đoàn quân gang thép cùng quân đội hai nước Lào và Campuchia đẩy quân đội Pháp vào thế sa lầy và suy yếu nghiêm trọng. Ngày 7/5/1954, chiến thắng Điện Biên Phủ lững lẫy năm châu, chấn động địa cầu chấm dứt Chiến tranh Đông Dương đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia thuộc địa đầu tiên dùng vũ lực buộc đội quân tinh nhuệ Pháp với vũ khí tối tân, được sự viện trợ quân sự của một cường quốc trên thế giới là Mĩ phải đầu hàng, giành lại độc lập dân tộc.
Tháng 5/1956, Pháp rút quân khỏi miền Nam nước ta, Mĩ vào thay chân Pháp âm mưu chia cắt đất nước ta lâu dài. Không ngơi nghỉ, cả dân tộc lại tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Với lối tiến công táo bạo, dũng mãnh, những người chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam làm nên những chiến công vang dội trong Chiến dịch Mậu Thân 1968, Chiến dịch Khe Sanh, Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không,... buộc Mĩ phải kí Hiệp định Paris, rút quân vô điều kiện khỏi miền Nam nước ta. Trên đà thắng lợi, Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975. Ngày 26 tháng 4 năm 1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn. Sự tiến công như vũ bão của Quân giải phóng đã làm tan rã chế độ Việt Nam Cộng hòa buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trên Đài phát thanh Sài Gòn vào 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Non sông thu về một mối nhưng những người chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam cùng nhân dân tiếp tục chiến đấu với kẻ thù trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Trong cuộc chiến tranh này, quân dân ta đã giành thắng lợi, bảo vệ vững chắc biên giới của Tổ quốc đồng thời giúp đỡ nhân dân Campuchia lật đổ chính quyền Khơ me Đỏ, thiết lập chính quyền cách mạng.
Non sông sạch bóng quân thù, thực hiện lời dạy của Bác, song song với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, người chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam cùng nhân dân lao động sản xuất và đội quân công tác. Quân đội đã cùng nhân dân cả nước khắc phục hậu quả của chiến tranh, xây dựng đất nước; giúp đỡ dân khi thiên tai, lũ lụt, làm nhiệm vụ quốc tế: tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại phái bộ Nam Sudan; tham gia khắc phục hậu quả, cứu hộ, cứu nạn trong trận động đất tại Thổ Nhĩ Kì vào tháng 2 năm 2023,... Đó là những thành tích mà Quân đội Nhân dân Việt Nam đã đóng góp xứng đáng, góp phần bảo vệ nền hòa bình thế giới, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng - Nhà nước ta trong tình hình mới.
Chỉ từ 34 chiến sĩ của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân với lượng vũ khí ít ỏi, bảy mươi chín năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Quân đội Nhân dân Việt Nam không ngừng lớn mạnh luôn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thực sự là đội quân tinh nhuệ, tư tưởng chính trị vững vàng, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân; xứng đáng với lời ngợi khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Nhân kỉ niệm 79 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2023), mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh trường THCS-THPT Trần Quốc Tuấn luôn tự hào về truyền thống vẻ vang, hào hùng của Quân đội Nhân dân Việt Nam, quyết tâm thi đua dạy tốt, học tốt, rèn luyện theo tác phong anh bộ đội Cụ Hồ để xứng đáng với sự hi sinh của bao liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập - tự do của dân tộc.
Vinh dự, tự hào về ngôi trường mang tên nhà quân sự lỗi lạc, Anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn
Ngày mùng 8 tháng 9 năm 1999, tại 1D Láng Hạ, trường Trung học Dân lập Trần Quốc Tuấn - nay là trường THCS-THPT Trần Quốc Tuấn ra đời với hơn 100 học sinh được biên chế vào 4 lớp học dưới sự dạy dỗ của hơn 20 thầy cô giáo nhưng đến nay trường đã có hơn 1300 học sinh với 32 lớp học. Nhà trường có đầy đủ đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng tiêu chuẩn của trường chuẩn Quốc gia. Tiêu biểu là: thư viện nhà trường khang trang với nhiều đầu sách về các lĩnh vực để học sinh, giáo viên đọc ngoài giờ học nâng cao kiến thức; khu thể thao, nhà thể chất có sân bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, bóng bàn, cầu lông, phòng tập gym - nơi học sinh, giáo viên tập luyện nâng cao sức khỏe; mỗi tổ chuyên môn đều có phòng chức năng đầy đủ các tài liệu, thiết bị đồ dùng phục vụ cho hoạt động dạy và học.
Trường THCS-THPT Trần Quốc Tuấn là ngôi trường được tổ chức và hoạt động quản lí, giáo dục, rèn luyện học sinh nội trú theo mô hình nhà trường quân đội. Ngoài nội dung, chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh của trường còn được học tập về lịch sử, truyền thống quân đội; được giáo dục, rèn luyện tính tập thể, tính kỉ luật, tính tự lập; được rèn luyện tư thế tác phong của người chiến sĩ và những kĩ năng giao tiếp, ứng xử với bạn bè, thầy cô… Qua đó, học sinh từng bước hình thành những thói quen tốt, những đức tính, phẩm chất, nhân cách của người chiến sĩ, người công dân tốt trong tương lai. Đó là những điểm khác biệt riêng có, là niềm vinh dự, tự hào của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh của ngôi trường mang tên một Danh tướng kiệt xuất trong lịch sử dân tộc - Trần Quốc Tuấn.
Nhà trường luôn chú trọng công tác giáo dục toàn diện, thực chất; duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động ngoại khóa; coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để xác định rõ trách nhiệm, thái độ, động cơ đúng, ý thức tổ chức kỉ luật của học sinh tăng; cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lí các vi phạm để giúp đỡ học sinh vượt qua khó khăn và tập trung vào học tập; tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng địa phương trong việc xây dựng nhà trường an toàn.
Học sinh trường THCS-THPT Trần Quốc Tuấn luôn rèn luyện và tu dưỡng theo tác phong anh bộ đội Cụ Hồ: nền nếp, chế độ tuần, tháng và các hoạt động trong ngày đối với học sinh nội trú diễn ra từ 05 giờ 30 phút đến 22 giờ như một người chiến sĩ của quân đội; luôn chấp hành kỉ luật, các quy chế, quy định của nhà trường; rèn luyện tư thế tác phong, trang phục, đầu tóc, xưng hô, chào hỏi, giao tiếp, ứng xử trong và ngoài trường.
Đoàn Thanh niên và Đội Thiếu niên tích cực triển khai các hoạt động thi đua, văn hóa, văn nghệ, TDTT vào các ngày lễ lớn, tổ chức Tết cho học sinh. BCH Công đoàn chủ động, tích cực, bám sát hoạt động của nhà trường, tổ chức các hoạt động thiết thực, hiệu quả; chi bộ trong sạch, vững mạnh. Thực hiện nghiêm công tác phòng chống cháy nổ, ANAT trường học; quản lí, tuần tra đảm bảo an ninh, an toàn các khu vực trong trường, đảm bảo vệ sinh môi trường trong trường học.
Trường THCS-THPT Trần Quốc Tuấn được công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 (năm 2012), mức độ 2 (năm 2019); được Nhà nước tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (năm 2014), hạng Nhì (năm 2019); nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Cách mạng Lào tặng Huân chương Anh dũng hạng Ba, hạng Hai và tặng Huân chương Tự do hạng Nhất nhân dịp kỉ niệm 20 năm ngày thành lập trường. Nhà trường cũng nhiều lần được tặng cờ, bằng khen của UBND Thành phố Hà Nội, Công đoàn ngành Giáo dục, Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Quốc phòng. Nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Năm học 2022-2023, trường THCS-THPT Trần Quốc Tuấn được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công nhận là Đơn vị học tập, đạt danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến; nhiều tổ, ban là Tập thể lao động tiên tiến; nhiều giáo viên đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, Giáo viên dạy giỏi cấp Quận, có sáng kiến kinh nghiệm cấp Ngành, cấp Thành phố; gần 20 lượt Học sinh giỏi cấp Thành phố, cấp Cụm và cấp Quận; 100% học sinh khối 12 đỗ Tốt nghiệp THPT, 95% đỗ Đại học; học sinh thi vào lớp 10 đạt vị trí 13/23 toàn Quận; Đoàn thanh niên và Bí thư Đoàn trường được Thành Đoàn Hà Nội tặng Bằng khen; 19 thầy cô và nhân viên được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Kỉ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”.
Được sự tin tưởng của các cấp lãnh đạo, sự quan tâm của cấp trên, năm học 2023-2024, nhà trường được giao đất, triển khai xây dựng, mở rộng quy mô trường học. Đây là niềm vui, là nguồn động lực, đánh dấu sự trưởng thành, phát triển của nhà trường và tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên. Những thành tích của nhà trường trong học tập, quản lý, rèn luyện thể lực, rèn luyện tư thế, tác phong, chấp hành quy chế, quy định… Đó là những việc làm, những hành động rất thiết thực để xây dựng ngôi trường THCS-THPT Trần Quốc Tuấn ngày càng vững mạnh theo mô hình nhà trường quân đội và cũng là tâm huyết của thầy cô, cán bộ, nhân viên, sự nỗ lực của học sinh trong trường góp phần kế tiếp truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, xứng đáng với ngôi trường mang tên Nhà quân sự kiệt xuất, anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn.
Hiệu trưởng - PGS.TS Đào Văn Mừng