Người giáo viên phải có trí tuệ và tài năng mới có thể đào tạo được những thế hệ công dân, cán bộ có tài cho xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, một người thầy giáo giỏi không có nghĩa là phải tinh thông tất cả mọi lĩnh vực, hiểu trọn tri thức nhân loại. Tuy nhiên, người giáo viên cần không ngừng trau dồi kiến thức, đặc biệt phải thạo lĩnh vực chuyên môn của mình, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu, những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục không được bằng lòng với kiến thức đã có. Người nói: “Giáo viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ, chớ tự mãn cho mình giỏi rồi thì dừng lại mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, tự đào thải mình trước”.
Bác từng nhắc nhở: Trong sự nghiệp trồng người, đội ngũ giáo viên nếu chỉ có tài thôi thì chưa đủ, ngoài trí tuệ, tài năng, người giáo viên phải có đạo đức.
Bác luôn nhấn mạnh: “Người có tài mà không có đức thì là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Đối với đội ngũ nhà giáo, tài là sự am hiểu, vốn tri thức, vốn kinh nghiệm thực tiễn của người thầy, đức là tư cách, tình yêu thương, trách nhiệm của người thầy đối với nghề, với các em học sinh… Chính vì thế, Người nhắc các nhà giáo: Dạy cũng như học đều phải biết chú trọng cả tài và đức.
Và không chỉ nhấn mạnh việc xây dựng năng lực, phẩm chất của đội ngũ nhà giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm đến việc xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, đoàn kết, dân chủ, bình đẳng, tương trợ. Người nói: “Trong trường cần có dân chủ, đối với mọi vấn đề thầy và trò cùng nhau thảo luận, ai có vấn đề gì đều thật thà phát biểu, điều gì chưa thông suốt thì hỏi, bàn cho thông suốt, dân chủ nhưng trò phải kính thầy, thầy phải quý trò, chứ không phải Cá đối bằng đầu”.
Trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã là nhà giáo phải yêu người, yêu nghề, yêu trường, yêu chủ nghĩa xã hội, điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục - đào tạo. Yêu nghề, yêu người là cơ sở để các thầy, cô yên tâm công tác, say mê, toàn tâm, toàn ý với công việc; biết vươn lên, nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp.
Bên cạnh việc nêu lên những điều mà nhà giáo phải làm cho tốt, Người dặn dò thêm: Các thầy, cô giáo không được đánh mất phẩm chất của mình, dù hoàn cảnh nào cũng phải là tấm gương cho học sinh noi theo, tránh thái độ thờ ơ đối với xã hội, xa rời đời sống thực tế, lười biếng trong học tập và nâng cao trình độ, thái độ kèn cựa địa vị, xem nhẹ công việc của mình, thiếu tinh thần xây dựng tập thể,...
Thời kỳ đổi mới đòi hỏi sản phẩm giáo dục phải có phẩm chất, có năng lực đáp ứng nhu cầu xã hội. Vì lẽ đó, phẩm chất và nhân cách nhà giáo cũng được quy định thêm bởi nhiều yếu tố, nhưng cốt lõi vẫn là tri thức và lòng yêu thương học sinh. Nhà giáo có thâm niên hay mới vào nghề muốn tồn tại và phát triển nghề nghiệp thì phải luôn có ý thức gia tăng hàm lượng tri thức trong tư duy và bồi đắp thêm tình thương yêu, tinh thần trách nhiệm trong việc giáo dục thế hệ trẻ.
Nói cách khác, phẩm chất “hồng” và “chuyên” của người thầy ngày nay phải được thể hiện rõ bằng chính những việc làm cụ thể. Ở trên lớp, đòi hỏi người thầy phải cung cấp đủ lượng kiến thức, bảo đảm cho học sinh tiếp thu được kiến thức bằng sự hướng dẫn tận tâm chứ không chỉ là giảng bài. Để kích thích tư duy học sinh tự suy nghĩ, tự tìm tòi, khám phá, đòi hỏi người thầy phải đầu tư, cập nhật kiến thức trong soạn giảng; hướng vào từng cá nhân, kiên trì dành nhiều thời gian mới phát hiện được điểm mạnh, điểm yếu của từng học sinh…
Ở ngoài lớp, người thầy phải nâng cao trình độ lý luận chính trị, là tấm gương tiên phong, nhiệt huyết cho học sinh noi theo.Khi sinh hoạt tổ chuyên môn, phối hợp với các giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, giám thị… để đánh giá học lực, hạnh kiểm học sinh, đòi hỏi người thầy phải nghiêm túc, chính xác bằng cái tâm của mình. Đối với việc chuyển tải, cung cấp, hướng dẫn các bài tập, tài nguyên kiến thức ngoài chương trình, sách giáo khoa nhằm kích thích tư duy sáng tạo, tự nghiên cứu khoa học cho học sinh, đòi hỏi người thầy phải đầu tư nghiên cứu, học tập, cập nhật bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn.
Người thầy phải có thế giới quan khoa học đúng đắn, có định hướng thái độ, hành vi ứng xử trước các vấn đề về thế giới tự nhiên, thực tiễn xã hội nghề nghiệp; phải đổi mới, sáng tạo trong dạy học trước vô vàn kiến thức, nguồn tài nguyên khoa học kỹ thuật vô tận; say mê, bền bỉ, cần cù, nghiêm túc và sáng tạo trong lao động sư phạm… Ngoài ra, người thầy cũng cần phải cương quyết đấu tranh loại trừ những biểu hiện chạy theo thành tích, xúc phạm đến nhân cách và thân thể học sinh, hoặc cố kiếm tiền bằng mọi hình thức, tự đánh mất mình, làm ảnh hưởng chung đến uy tín của đồng nghiệp, mất lòng tin của xã hội. Đặc biệt, nhà giáo phải không ngừng nêu cao đạo đức, tác phong gương mẫu, thương yêu, gần gũi học sinh, gắn bó, đoàn kết với đồng nghiệp, thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.
(Theo GDTD)