HƯỚNG DẪN
Hoạt động chuyên môn bộ môn Toán THPT
Năm học 2014-2015
Thực hiện nhiệm vụ năm học 2014-2015, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lưu ý các tổ/nhóm bộ môn Toán các trường THPT một số vấn đề sau :
I. Về việc thực hiện qui chế chuyên môn và nội dung dạy học
- Trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ của cấp học trong chương trình giáo dục phổ thông, các tổ/nhóm chuyên môn chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục định hướng phát triển năng lực học sinh theo khung thời gian 37 tuần thực học (học kỳ I: 19 tuần, học kỳ II: 18 tuần), đảm bảo thời gian kết thúc học kỳ I, kết thúc năm học thống nhất toàn thành phố, có đủ thời lượng dành cho luyện tập, ôn tập, thực hành, tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo và kiểm tra định kỳ.
- Kế hoạch giáo dục định hướng phát triển năng lực học sinh của mỗi trường phải phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, địa phương và khả năng học tập của học sinh theo tinh thần Hướng dẫn số 791/HD-BGDĐT ngày 25/6/2013 của Bộ GDĐT. Các tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên chủ động lựa chọn nội dung, xây dựng các chủ đề dạy học và các chủ đề tích hợp, liên môn, đồng thời xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với các chủ đề và theo hình thức, phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực; chú trọng giáo dục đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật; tăng cường các hoạt động nhằm giúp học sinh vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Kế hoạch dạy học của tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên phải được lãnh đạo nhà trường phê duyệt trước khi thực hiện và là căn cứ để thanh tra, kiểm tra.
- Trên cơ sở kế hoạch dạy học đã được phê duyệt, tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên có thể thiết kế tiến trình dạy học cụ thể cho mỗi chủ đề mà không nhất thiết phải theo bài/tiết trong SGK. Mỗi chủ đề có thể được thực hiện ở nhiều tiết học, mỗi tiết có thể chỉ thực hiện một hoặc một số bước trong tiến trình sư phạm của bài học. Các nhiệm vụ học tập có thể được thực hiện ở trong hoặc ngoài giờ trên lớp. Ngoài việc tổ chức cho học sinh thực hiện các nhiệm vụ học tập ở trên lớp, cần chú trọng giao nhiệm vụ học tập cho học sinh ở ngoài lớp học và ở nhà.
- Đảm bảo 100% giáo viên lên lớp có giáo án theo hướng đổi mới phương pháp, hình thức bài soạn không quy định cứng nhắc, nhưng trong bài soạn cần nêu rõ các bước tiến hành của giáo viên và các hoạt động của học sinh. Thực hiện các qui định về hồ sơ, sổ sách chuyên môn, về số đầu điểm theo qui định và lưu đề kiểm tra viết.
II.Về việc đổi mới phương pháp giảng dạy
1. Đổi mới phương pháp dạy học
Tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học triệt để hơn, sâu rộng hơn đến từng giáo viên. Cụ thể:
- Tổ chức dạy học phân hoá theo năng lực của học sinh dựa theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình giáo dục phổ thông môn Toán cấp THPT. Giáo viên chủ động thiết kế bài giảng linh hoạt, khoa học, sắp xếp hợp lý các hoạt động của giáo viên và học sinh; phối hợp tốt giữa làm việc cá nhân và theo nhóm.
- Đẩy mạnh việc vận dụng dạy học giải quyết vấn đề, bảo đảm cân đối giữa việc truyền thụ kiến thức và rèn luyện kỹ năng cho học sinh; tăng cường liên hệ thực tế, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với nội dung bài học.
- Chú trọng tổ chức hợp lý cho học sinh làm việc cá nhân và theo nhóm; giáo viên tạo điều kiện, hướng dẫn học sinh rèn luyện kỹ năng tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, bồi dưỡng năng lực độc lập suy nghĩ, xây dựng hệ thống câu hỏi hợp lý, phù hợp với các đối tượng; vận dụng sáng tạo kiến thức đã học, khắc phục việc ghi nhớ máy móc, không nắm vững bản chất.
2. Đổi mới kiểm tra và đánh giá
- Đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng chú trọng đánh giá phẩm chất và năng lực của học sinh. Các hình thức kiểm tra, đánh giá hướng tới phát triển năng lực của học sinh; coi trọng đánh giá để giúp đỡ học sinh về phương pháp học tập, động viên sự cố gắng, hứng thú học tập của các em trong quá trình dạy học.
- Trong quá trình thực hiện các hoạt động dạy học, giáo dục, giáo viên cần coi trọng việc quan sát và hướng dẫn học sinh tự quan sát các hoạt động và kết quả hoạt động học tập, rèn luyện của các em; nhận xét định tính và định lượng về kết quả hoạt động, qua đó đề xuất hoặc triển khai kịp thời các hướng dẫn, góp ý, điều chỉnh nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động học tập, rèn luyện của học sinh.
- Chủ động kết hợp một cách hợp lý, phù hợp giữa hình thức trắc nghiệm tự luận với trắc nghiệm khách quan. Tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức liên môn vào thực tiễn. Khi chấm bài kiểm tra phải có phần nhận xét, động viên sự cố gắng tiến bộ của học sinh. Việc cho điểm có thể kết hợp giữa đánh giá kết quả bài làm với theo dõi sự cố gắng, tiến bộ của học sinh. Chú ý hướng dẫn học sinh đánh giá lẫn nhau và biết tự đánh giá năng lực của mình.
- Thực hiện nghiêm túc việc xây dựng đề thi, kiểm tra theo ma trận; bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình giáo dục phổ thông với các cấp độ: Biết, Thông hiểu, Vận dụng sáng tạo. Với các bài kiểm tra cuối học kì, cuối năm nên dành tối thiểu 50% làm bài cho các nội dung thông hiểu, vận dụng sáng tạo.
Việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập thực hiện theo Quy chế 58 về đánh giá, xếp loại học sinh THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
III. Về sinh hoạt chuyên môn và chuyên đề bộ môn.
- Nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên môn, trọng tâm sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn là thống nhất nội dung kiến thức và phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng hoạt động dự giờ.
- Các hoạt động chuyên đề của trường và cụm trường cần tập trung vào việc đổi mới phương pháp theo hướng phát triển năng lực của học sinh. Thông qua các hoạt động chuyên đề tháo gỡ những khó khăn trong việc giảng dạy bài mới, cùng nhau thực hiện đổi mới dạy học, nâng cao hiệu quả kiểm tra và đánh giá học sinh. Mỗi học kỳ, mỗi trường thực hiện 01 chuyên đề; trong năm học, mỗi cụm trường thực hiện 01 chuyên đề cho toàn cụm.
IV. Về công tác bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học.
- Mỗi giáo viên cần thực hiện tốt các hoạt động tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hiểu biết xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu hiểu biết ngày càng cao của học sinh.
- Kết hợp hoạt động tự bồi dưỡng của từng giáo viên với các buổi sinh hoạt chuyên đề của tổ/nhóm.
- Tích cực tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm, chú ý nâng cao chất lượng khoa học của các bản sáng kiến kinh nghiệm tránh hình thức hóa và đối phó.
- Tham gia đầy đủ các hoạt động trong chương trình bồi dưỡng thường xuyên do Sở tổ chức. Trong tháng 10 và tháng 11/2014 Sở tổ chức chuyên đề “Đổi mới công tác kiểm tra đánh giá môn Toán” cho các giáo viên cốt cán và tập huấn giải Toán trên MTCT cho giáo viên Toán của các trường THPT.
V. Về các kỳ thi của thành phố.
- Các trường và cụm trường THPT xây dựng và triển khai Kế hoạch thi giáo viên giỏi môn Toán của đơn vị mình. Hội thi giáo viên giỏi môn Toán cấp thành phố dự kiến được tổ chức trong tháng 3/2015.
- Tổ chức bồi dưỡng cho học sinh lớp 12 tham gia thi học sinh giỏi lớp 12 cấp thành phố ngày 02/10/2014 và thi chọn đội tuyển thành phố ngày 28/10/2014.
- Khuyến khích các cụm trường THPT tổ chức thi Olympic cho học sinh lớp 10, 11.
- Có kế hoạch và thực hiện bồi dưỡng học sinh giải Toán trên máy tính cầm tay và giải Toán qua Internet. Tổ chức thi giải Toán trên máy tính cầm tay và giải Toán qua Internet cấp trường, cụm trường để chọn đội tuyển tham gia thi cấp thành phố.
- Bồi dưỡng và chọn học sinh tham gia thi giải Toán Hà Nội mở rộng cho học sinh lớp 10 (Thi giải Toán bằng tiếng Anh với sự tham gia của hầu hết các tỉnh/thành phố, dự kiến năm học 2014-2015 có sự tham gia của các nước bạn).
Trên đây là một số hướng dẫn hoạt động chuyên môn năm học 2014-2015. Các tổ/nhóm trưởng vận dụng có sáng tạo cho phù hợp với điều kiện của đơn vị mình.
-----------------------------------------
(Nguồn: Phòng GD Trung học)