Hưởng ứng cuộc vận động “Hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn” do Công đoàn Ngành Giáo dục phát động, ngày 26/11/2015 Trường THCS – THPT Trần Quốc Tuấn tổ chức Đoàn công tác đi hỗ trợ giáo dục tại Trường PTCS Vĩnh Quang, xã Trọng con, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, kết hợp với tham quan giáo dục truyền thống tại các di tích lịch sử cách mạng thuộc địa phận tỉnh Cao Bằng.
Hơn 12 giờ trưa ngày 26/11, Đoàn công tác nhà trường do thầy Ngô Văn Quân - Phó Hiệu trưởng, làm Trưởng đoàn, khởi hành hướng lên vùng “Non nước Cao Bằng”. Xe chuyển bánh, bon bon trên Quốc lộ 3 mới, vượt chặng đường dài, địa hình dần chuyển sang những dốc, đèo thử thách tay lái đường trường. Đường nhỏ với những góc cua chữ S, rồi chữ Z khiến chúng tôi – những người lần đầu tiên lên Cao Bằng không khỏi giật mình.
Sau 8 giờ đồng hồ, chúng tôi có mặt tại thành phố Cao Bằng. Dù chưa giũ sạch bụi đường, Đoàn công tác lại bắt tay vào chuẩn bị quà hỗ trợ cho điểm trường Vĩnh Quang. Ai cũng mệt, nhưng vui khi chia từng gói quà nhỏ để sẵn sàng cho hành trình ngày hôm sau đến xã Trọng Con.
Đoàn công tác chuẩn bị quà từ thiện
Trọng Con là một trong những xã vùng cao thuộc diện khó khăn của huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Điện lưới quốc gia mới có từ đầu năm 2015 và mới chỉ đến được khoảng 85% số hộ dân nơi đây. Theo thông báo của thầy Ngô Văn Quân – Trưởng đoàn, lộ trình di chuyển từ Ủy ban nhân dân xã Trọng con đến điểm trường Vĩnh Quang chỉ khoảng hơn 10 Km nhưng đường xá đi lại khó khăn, hiểm trở, men theo vách núi chênh vênh chỉ có thể di chuyển bằng phương tiện xe máy nếu trời không mưa. Thoáng có chút lo âu, căng thẳng trên gương mặt của các thành viên, nhưng rất nhanh sau đó cả đoàn lại hào hứng xác định quyết tâm, bằng mọi giá 100% thành viên trong đoàn phải đến được điểm trường kể cả đi bộ nếu trời đổ mưa.
Đúng 6 giờ sáng ngày 27/11 khi ngoài trời còn mờ sương cả Đoàn đã tề tựu đông đủ ở sảnh khách sạn, nhìn gương mặt ai cũng rạng ngời hạnh phúc dù biết quãng đường còn nhiều khó khăn đang chờ phía trước. Sau hơn 1 giờ di chuyển Đoàn công tác đã có mặt tại Ủy ban nhân dân xã Trọng con, tại đây 5 cán bộ, giáo viên Trường PTCS Vĩnh Quang cùng 13 tài xế xe ôm từ Thị trấn Đông khê xuống đã có mặt từ sớm để đưa Đoàn di chuyển đến điểm trường.
Ba trường Mầm non, Tiểu học và PTCS Vĩnh Quang thuộc xã Trọng Con, cách thị trấn Đông Khê khoảng 25km đường núi. Trong đó điểm trường chính có 69 học sinh ở tại thôn Nà Cà, điểm trường lẻ ở Bản Cáu có 20 học sinh và ở Nà Vài có 9 học sinh, cùng 24 học sinh mầm non đặt tại điểm trường Vĩnh Quang
Đoàn công tác trường THCS – THPT Trần Quốc Tuấn tặng quà cho các thầy cô giáo tại điểm trường Vĩnh Quang
Từ sáng sớm, các thầy cô và các em học sinh thuộc các điểm trường ở khắp thôn bản heo hút đã có măt ở sân trường Vĩnh Quang để nhận quà từ Đoàn công tác, gồm: 1 bộ máy tính kèm máy in có chức năng phôto trị giá 12 triệu đồng, một thùng truyện cho thư viện nhà trường; 18 bộ áo dài và 7 áo sơ mi tặng các thầy cô giáo; 98 xuất quà cho các em học sinh tiểu học và phổ thông cơ sở, mỗi suất trị 200.000 đồng (gồm một chăn ấm, vở viết, đồ dùng học tập và bánh kẹo); tặng tiền mặt 2.400.00 đồng cho điểm trường mầm non Vĩnh Quang, với mong muốn chia sẻ những khó khăn về vật chất, thiết bị phục vụ dạy và học với thầy trò nơi đây, tạo động lực học tập và vun đắp những ước mơ cho các em học sinh dân tộc thiểu số.
Đoàn công tác tặng quà cho học sinh tiểu học tại Vĩnh Quang
Đoàn công tác tặng quà cho học sinh PTCS Vĩnh Quang
Món quà trao tay, niềm vui đong đầy! Dời trường mà trong tôi cứ vang lên lời bài hát đã thuộc từ thời sinh viên: “Đường tới bản Mèo đường dốc treo leo. Trườn qua sườn núi là tới những bản Mèo. Qua bao nhiêu con suối nên cô thân quen, chân cô thoan thoắt như cô giao liên. Cô tìm ai mà cô đã đi đến từng bản Mèo….” – thầy cô giáo nơi đây đã vượt qua mọi gian khó, hi sinh cả tuổi trẻ để mang cái chữ đến cho những học sinh vùng cao khiến chúng tôi vô cùng khâm phục. Đúng như lời thầy Ngô Văn Quân – Trưởng đoàn đã phát biểu “ Những món hôm nay giá trị về vật chất không lớn nhưng ý nghĩa về tinh thần là vô cùng to lớn, sự có mặt của Đoàn công tác đã góp phần động viên, khích lệ tinh thần vượt khó vươn lên của thầy và trò Trường PTCS Vĩnh Quang, là sợi dây gắn kết cộng đồng. Những chuyến đi như thế này chúng tôi học được bài học về nghị lực cuộc sống và nỗ lực vươn lên trong hoàn cảnh khó khăn, học được những giá trị về sự sẻ chia và biết trân trọng những gì mà mình đang có…..”
Ra đến thị trấn Đông Khê (huyện Thạch An), tôi lại càng háo hức hơn khi được đặt chân lên mảnh đất lịch sử - nơi diễn ra trận đánh mở đầu cho chiến dịch Biên Giới toàn thắng năm 1950, mở ra bước phát triển mới của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Thăm khu di tích lịch sử Đông Khê – Thạch An – Cao Bằng
Tạm biệt Thạch An, Đoàn chúng tôi ra về đầy lưu luyến. Thầy Phó Hiệu trưởng Đặng Văn Lý đã chia sẻ: “Mặc dù tham gia rất nhiều chuyến đi công tác, nhưng lần này có lẽ là chuyến đi mà tôi thấy ấn tượng nhất. Từ mấy ngày trước khi đi anh em đã rất háo hức chuẩn bị, đi đường có mệt nhưng khi đến nơi thấy các thầy cô, các em học sinh tươi cười, chào đón làm cho chúng tôi quên hết mệt mỏi. Chúng tôi sẽ tổ chức thêm nhiều chuyến đi như thế này nữa để mang thêm niềm vui và ước mơ cho các em”.
Hành trình trong ngày thứ ba ở Cao Bằng của Đoàn công tác cũng đầy ý nghĩa. 6 giờ sáng ngày 28/11, xe chuyển bánh đưa Đoàn hướng về Thác Bản Giốc. Đường lại những dốc và cua song thời tiết đẹp! Sau hơn 2 giờ đồng hồ, xe đến chân núi Phia-Nhằm thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh. Đứng từ trên cao phóng tầm mắt để được nhìn ngắm một vùng biên cương sơn thủy, hữu tình của đất nước và đến mục sở thị tại cột mốc biên giới Việt – Trung 863 càng trân trọng hơn giá trị của độc lập và ý thức bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.
Đoàn công tác thăm thác Bản Giốc – Cao Bằng
Cùng ngày, Đoàn về thăm khu Di tích lịch sử Pác Bó. Đây suối Lê-nin, kia núi Các Mác, theo lối nhỏ đi thăm di tích để cảm nhận những ý nghĩa thiêng liêng nơi quê hương cách mạng. Mùa xuân năm 1941, nhân dân Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng) vinh dự và tự hào thay mặt nhân dân cả nước đón Bác Hồ tại cột mốc 108 biên giới Việt - Trung sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước trở về Tổ quốc. Bác đã ở hang Cốc Bó rồi chuyển đến lán Khuổi Nặm. Từ đây phong trào cách mạng ngày càng lan rộng trong chiến khu Việt Bắc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, dân tộc ta liên tiếp giành được thắng lợi vẻ vang trong đấu tranh giải phóng dân tộc.
Đoàn công tác thăm Pắc Pó – Cao Bằng
Pác Bó ngày nay trở thành một địa danh đặc biêt. Còn đó những kỷ vật đơn sơ, giản dị của Bác: chiếc bàn đá, nơi ngồi câu cá, chiếc phản nghỉ trong hang Cốc Bó, vườn cây, bờ suối, lối đi…Tất cả đều như nhắc nhở chúng ta về những trang sử vĩ đại của dân tộc.
Chia tay Cao Bằng - quê hương cách mạng, tôi lại nhớ đến những hình ảnh thiêng liêng về Bác và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Người trong chiến dịch Biên Giới – đó mãi là ánh đuốc soi đường cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trên con đường đưa đất nước đi tới ấm no, hạnh phúc.
Chuyến đi trải nghiệm thực tại Cao Bằng đã đem lại nhiều cảm xúc và ý nghĩa trong mỗi người tham gia. Và điều quan trọng hơn là đem lại cho các em học sinh dân tộc vùng cao nhiều niềm vui và niềm tin vào một tương lai tươi sáng đang vẫy chào.
Cô giáo: Lộ Thị Sang Hương
Tổ Lịch - Địa