Chuyện từ bài giảng an toàn giao thông của hai cô giáo trẻ
NHNTôi tìm đến trường THCS Cầu Giấy và trường THCS - THPT Trần Quốc Tuấn để gặp cô giáo Trần Chung Thủy và Nguyễn Thị Bích Hòa - 2 trong số 3 cô giáo đại diện cho đoàn Hà Nội vừa tham gia vòng chung kết cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai năm 2018” và giành chiến thắng thuyết phục với bài giảng sinh động và bổ ích về an toàn giao thông. Gặp gỡ và lắng nghe những sẻ chia của hai cô giáo trẻ càng khiến tôi cảm phục, trân trọng hơn về những người thầy đã và đang miệt mài dồn tâm sức, nhiệt huyết của mình với ước mong đem đến cho học trò những kiến thức bổ ích không chỉ ở các môn học chính mà cả những kỹ năng trong cuộc sống thường ngày.
Cô giáo Trần Chung Thủy
Bắt đầu “chặng đường đua” cũng là những đêm thao thức. Và rồi, qua chặng thử thách đầu tiên ở vòng thi thứ nhất, bước vào vòng 2 cô giáo Thủy lại miệt mài để xây dựng thiết kế bài giảng về ATGT. Từ nội dung của tài liệu “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” dành cho học sinh khối THCS, cô Thủy đã chọn thiết kế bài giảng về tình hình trật tự ATGT đường bộ và cách xử lý tình huống khi gặp TNGT theo phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực tập trung như: đàm thoại, thảo luận nhóm, động não, đóng vai và giải quyết tình huống, trò chơi, phát vấn, trực quan, trải nghiệm và khám phá…
Cô Thủy “khoe” điều đặc biệt trong bài giảng này đó là cô đã đưa kỹ thuật dạy học theo trạm vào thiết kế bài giảng. Tương ứng với mỗi nội dung giảng dạy trong bài là 4 trạm: trạm 1 (tìm hiểu tình hình trật tự ATGT và thực trạng TNGT), trạm 2 (tìm hiểu hậu quả của TNGT), trạm 3 (tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến TNGT) và trạm 4 (tìm hiểu về cách phòng tránh TNGT). “Vai trò của giáo viên trong tiết học là theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ các nhóm thực hành các trạm. Sau khi hoàn thành các nội dung, các nhóm sẽ bốc thăm nội dung để báo cáo trước lớp, các nhóm sử dụng dụng cụ học tập của trạm hoặc sáng tạo bằng nhiều hình thức khác (hò, vè, sơ đồ tư duy, kịch) báo cáo cho bài tập của nhóm mình” – Cô giáo Thủy cho biết. Với cô Thủy, phương pháp này không chỉ phát huy các phẩm chất, năng lực của học sinh trong học tập mà còn giúp các em nâng cao kỹ năng xử lý tình huống khi tham gia giao thông.
Lật giở từng trang giáo án, cô giáo trẻ lại say sưa khi kể cho tôi nghe những nội dung đã chuẩn bị trong bài giảng để hướng dẫn học trò. Đó là cách phòng tránh TNGT, cách xử lí khi gặp TNGT đường bộ rồi những tình huống đưa ra để học trò vận dụng, tìm lỗi vi phạm giao thông, xử lí tình huống tham gia giao thông an toàn và cả dự án “Giao thông xanh” mà cô hướng học trò tham gia để có thêm những góc nhìn về vấn đề ATGT...
Hỏi cô giáo trẻ về niềm vui khi nhận giải Nhì cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”, cô Thủy khiêm nhường nói rằng thành công của mình có sự giúp sức và đồng hành của Ban giám hiệu và các đồng nghiệp tại trường THCS Cầu Giấy và phần thưởng cao nhất, ý nghĩa nhất của cô đó là tình yêu của học trò. Có lẽ cũng chính nhờ tình yêu ấy mà cô giáo trẻ đã có thêm những động lực để gặt hái những thành công trong sự nghiệp trồng người: giải Nhì Hội thi giáo viên giỏi cấp Thành phố (năm 2014 - 2015), giải Nhất Hội thi giáo viên giỏi cấp quận (2014 - 2015), giải Nhì cuộc thi dạy học theo chủ đề tích hợp cấp thành phố (2015 - 2016), danh hiệu Chiến sĩ thi đua (2015).
2. Cô giáo Nguyễn Thị Bích Hòa (giáo viên bộ môn Văn) gắn bó với trường THCS- THPT Trần Quốc Tuấn mới được 3 năm. Một khoảng thời gian chưa dài nhưng cũng đủ để cô giáo trẻ khẳng định được vị trí của mình bằng những giải thưởng trong cuộc thi giáo viên giỏi cấp thành phố. Gần đây nhất, với giải Nhất cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”, cô giáo trẻ tiếp tục chứng minh nỗ lực và cả sự tâm huyết sẽ mang đến những thành công.
Cô giáo Nguyễn Thị Bích Hòa
Cô giáo Hòa chia sẻ rằng cô đến với cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” bằng tất cả niềm say mê, tâm huyết và cả ước mong có thể giúp cho các học trò hiểu rõ hơn về ATGT. Theo Nguyễn Thị Bích Hòa: “Giáo dục ATGT cho học sinh THPT là việc làm cần thiết bởi lẽ hiện nay công tác tuyên truyền, phố biến pháp luật ATGT trong nhà trường còn hạn chế, TNGT ở lứa tuổi học sinh vẫn chiếm tỉ lệ cao. Để có hiệu quả trong giáo dục, bản thân giáo viên cần nghiên cứu đổi mới phương pháp dạy và học, nội dung giảng dạy phải phù hợp với đối tượng đồng thời giúp học sinh dễ nhớ, dễ hiểu và dễ thực hiện”. Cũng bởi thế mà khi thiết kế bài giảng cho cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”, cô giáo trẻ cũng đã dồn nhiều tâm sức để tìm ra những phương pháp hợp lý, hiệu quả trong giảng dạy và học tập ATGT, từ việc tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin, hướng dẫn học sinh kỹ năng khai thác thông tin từ sách giáo khoa, tư liệu tham khảo đến việc tăng cường liên hệ thực tiễn, thiết kế đồ dùng dạy học…
Cô giáo Hòa chia sẻ, điểm mới trong bài giảng ATGT của cô chính là phương pháp dạy học dự án, sử dụng các phương tiện trực quan. Nguyễn Thị Bích Hòa đã khéo léo đưa ra các hình thức hoạt động trải nghiệm thực tế, gặp gỡ chuyên gia, tổ chức các trò chơi học tập, trò chơi vận động thậm chí là cả những bài tập dự án, tổ chức cho học sinh tham gia các cuộc thi về ATGT, hình thức có tính thể nghiệm hoặc tương tác, hình thức sân khấu hóa. Các hình thức trải nghiệm trong bài giảng dự thi của cô giáo Hòa cũng đã được trường THCS - THPT Trần Quốc Tuấn áp dụng hiệu quả như: học sinh giúp đỡ cảnh sát giao thông đảm bảo an toàn giao thông, học sinh làm hàng rào phân cách, hay hướng dẫn chỉ đường cho các phương tiện giao thông…
Ngoài việc chú trọng hoạt động trải nghiệm, thì phương pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào trong bài giảng cũng được cô giáo Hòa coi là một giải pháp hữu hiệu trong việc giáo dục học sinh về ATGT. “Trường Trần Quốc Tuấn có cơ sở vật chất rất tốt, vậy nên giáo viên cũng có thể dễ dàng cung cấp các đường link, phim tư liệu hay các bảng tương tác trong dạy học ATGT. Ví dụ như khi cô giáo hỏi về hậu quả do TNGT, các em dễ dàng có thể tìm thấy trên các đường link có hình ảnh về TNGT, ý thức được sự nguy hiểm khi tham gia giao thông, từ đó thay đổi nhận thức cũng như ý thức của mình” – Cô giáo Hòa chia sẻ.
* “Vấn đề ATGT luôn được trường THCS Cầu Giấy đặc biệt quan tâm. Không chỉ đưa nội dung này vào nội quy, quy định, nhà trường còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho học sinh qua chương trình phát thanh giữa giờ, qua các buổi sân khấu hóa… Đặc biệt, việc giáo dục cho học sinh ý thức về ATGT cũng được lồng ghép trong các tiết dạy, tích hợp trong các bộ môn mà điển hình là tiết dạy ATGT của cô giáo Trần Chung Thủy. Cô giáo Thủy là cô giáo trẻ nhưng đã có nhiều thành tích trong hoạt động giảng dạy, luôn tích cực trong tham gia phong trào của nhà trường và là nòng cốt trong hoạt động văn hóa của trường THCS Cầu Giấy”.
(Cô giáo Lê Kim Anh – Hiệu trưởng trường THCS Cầu Giấy)
* “Vài năm trở lại đây, trong cuộc thi an toàn giao thông, giáo viên và học sinh trường THCS - THPT Trần Quốc Tuấn đã tham gia tích cực và giành được một số giải thưởng. Năm nay, với sự nỗ lực lớn cô giáo Nguyễn Thị Bích Hòa cũng đã giành giải Nhất cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”. Giải thưởng này hoàn toàn xứng đáng với cô giáo Hòa bởi cô là người rất có trách nhiệm, khả năng sư phạm và là người rất tâm huyết, tận tâm với học trò. Thành tích của cô giáo cũng đã mang về niềm tự hào cho trường THCS – PTTH Trần Quốc Tuấn”.
(Thầy giáo Vũ Xuân Hồng – Hiệu trưởng trường THCS – PTTH Trần Quốc Tuấn)