PCT UBND Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu chỉ đạo
Hà Nội đổi mới giáo dục từ đâu?
Theo chương trình trọng tâm công tác của ngành GD&ĐT Hà Nội, năm 2014 có 6 nhiệm vụ quan trọng. Thứ nhất là triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo. Thứ hai, đẩy mạnh dạy và học ngoại ngữ, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, ứng dụng CNTT, xây dựng trường chuẩn quốc gia. Thứ ba, đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các trình độ, bậc học, phương thức đào tạo. Khắc phục triệt để tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định và lạm thu trong trường học. Thứ tư, đẩy mạnh xã hội hóa khuyến khích phát triển mô hình giáo dục trình độ chất lượng cao. Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực giáo dục. Kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật đối với các cơ sở đào tạo ngoài công lập. Thứ sáu, triển khai thực hiện chỉ thị số 01 của UBND về thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị 2014”.
Theo đánh giá của PCT UBND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc, các nhiệm vụ đưa ra tương đối đầy đủ và cụ thể. Tuy nhiên, Phó chủ tịch đặc biệt quan tâm tới việc triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục và đào tạo. Phó chủ tịch nhấn mạnh: Bước vào thực hiện nghị quyết 29, Hà Nội có những thuận lợi như Thành phố đã đề ra một loạt các văn bản, quy hoạch như quy hoạch hệ thống, mạng lưới trường học, xây dựng trường chất lượng cao, kế hoạch đào tạo chất lượng đội ngũ giáo viên, CNTT… Có thể thấy, những nội dung trong Nghị quyết 29 đã được thành phố triển khai. Chỉ tiêu mà Thành ủy đề ra là phấn đấu đến năm 2025, giáo dục Thủ đô đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Khi triển khai Nghị quyết chúng ta phải nghĩ đến mục tiêu này. Vấn đề hiện nay là muốn đổi mới phải bắt đầu từ đâu?
Trước câu hỏi ngành Giáo dục Thủ đô sẽ bắt đầu thực hiện Nghị quyết 29 từ đâu, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhận định: Nói tới giáo dục phải nói đến mục tiêu, nội dung, phương pháp. Mục tiêu đã được Trung ương xác định, nội dung đã được Bộ GD&ĐT ban hành. Ngành GD&ĐT Hà Nội chọn phương pháp làm yếu tố đột phá để thực hiện chương trình hành động của Thành ủy và Nghị quyết TW 8. Phương pháp dạy học cần có những điều kiện kèm theo như phương tiện dạy học, điều kiện trường lớp, CSVC. Người có phương pháp tốt phải có điều kiện CSVC tốt, phương thức quản lý CSVC tốt... Trong đó, yếu tố quan trọng là chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Khó khăn nhất hiện nay là việc tăng tích hợp ở cấp học dưới, phân hóa càng mạnh ở cấp học cao hơn. Chính vì vậy, yêu cầu đối với giáo viên ngày càng cao.
Những việc cần làm ngay
PCT UBND Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc nhất trí với việc chọn chất lượng, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên để tạo sự chuyển động trong giáo dục Thủ đô. Và trước mắt phải tuyên truyền trong toàn ngành hiểu được Nghị quyết, nắm bắt được những nhiệm vụ cần làm. Phó chủ tịch yêu cầu ngành GD&ĐT Hà Nội tham mưu với Thành phố triển khai chương trình hành động của Thành ủy. Triển khai xây dựng kế hoạch và phải hoàn thành trong vòng 20 ngày tới. Kế hoạch phải gắn với các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội đảng bộ Thành phố lần thứ XV. Trước khi xây dựng kế hoạch cần rà soát lại các chỉ tiêu mà Nghị quyết đại hội đàng bộ thành phố đề ra và đề xuất các giải pháp với các mục tiêu chưa hoàn thành.
Phó chủ tịch cũng đề nghị ngành GD&ĐT Hà Nội trongnăm 2014 phải phối hợp với các tổ chức chính quyền quyết tâm khắc phục triệt để dạy thêm, học thêm, thu sai quy định. Ngoài ra, quan tâm, chú ý đến quản lý các trường ngoài công lập, quyết tâm quản lý tốt các nhóm trẻ.
Đặc biệt, năm 2014, Hà Nội phải kiểm tra và công nhận được một số trường chất lượng cao. Bên cạnh đó, phải kiểm định chất lượng các trường công lập. Đánh giá và công khai cho CMHS yên tâm. Ngoài chất lượng trường học nên khuyến khích các trường có nền nếp học tập, đội ngũ giáo viên giỏi…
Về Nghị định 115 quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục được Chính phủ ban hành năm 2010 đến nay vẫn chưa được thực hiện ở Hà Nội, Phó chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu Sở Nội vụ báo cáo với thường vụ Thành ủy về việc thực hiện Nghị định 115 trong tháng 2 này. Việc phân cấp, bổ nhiệm cán bộ, phải được giao cho ngành giáo dục thực hiện và chịu trách nhiệm.
Tăng cường giáo dục Luật an toàn giao thông
Hai nội dung quan trọng khác cũng được Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đặc biệt quan tâm trong năm 2014 là thực hiện chỉ thị 01 của UBND Thành phố về xây dựng năm “Trật tự và văn minh đô thị” và tổ chức kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô, 60 năm thành lập ngành GD&ĐT Hà Nội.
Về thực hiện năm “Trật tự và văn minh đô thị”, Phó chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc gợi ý nên đẩy mạnh tuyên truyền văn hóa tham gia giao thông. Tuy nhiều năm nay, Sở GD&ĐT Hà Nội và Công an Thành phố đã có Quy chế phối hợp về giáo dục an toàn giao thông và sử dụng điện thoại di động đúng mục đích nhưng năm 2014 văn hóa tham gia giao thông cần có bước chuyển mạnh mẽ hơn. Có thể tổ chức giám sát, kiểm tra, huy động đoàn thanh niên, CMHS cùng tham gia. Học sinh phải tham gia đúng quy định hơn, không vi phạm luật. Với đội ngũ giáo viên, có thể đưa vào triển khai Quy tắc ứng xử trong đội ngũ giáo viên. Phòng giáo dục xây dựng kế hoạch để các trường phân vạch để CMHS đưa đón học sinh khoa học.
Chào mừng 60 năm Giải phóng Thủ đô và 60 năm thành lập ngành GD&ĐT Hà Nội, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ cho biết, Sở và Công đoàn ngành sẽ phối hợp tổ chức cuộc thi viết về 60 năm thành lập ngành. Lựa chọn những bài viết hay nhất để đóng thành tài liệu. Ngành cũng yêu cầu các trường tự viết về lịch sử của trường mình để học sinh hiểu thêm tự hào về mái trường, về truyền thống giáo dục Thủ đô.
(Theo Hanoi.edu.vn)