Hẳn ai cũng biết rằng nghề giáo là một nghề được con người xã hội xưa và nay rất tôn trọng, là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”, nhà giáo dục học vĩ đại Cô-men-xki đã từng nói: “Dưới ánh mặt trời, không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục, không có giáo dục thì không có cán bộ, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hoá”. Nghề giáo có vinh dự như vậy vì sản phẩm của giáo dục, dạy học là con người, là thế hệ tương lai của dân tộc. Một người công nhân tồi có thể làm hỏng một vài sản phẩm, một người kỹ sư tồi có thể làm hỏng một vài công trình, nhưng một người giáo viên tồi thì sẽ làm hỏng cả một thế hệ, đó là hậu quả khôn lường mà cả xã hội phải gánh chịu cho đến tận mai sau.
Để trở thành một người được gọi là “nhà giáo” thì đòi hỏi phải hội tụ nhiều đức tính tốt, đặc biệt là phải có “tài” và “đức”. Như Bác Hồ đã từng nói “Có tài mà không có đức là vô dụng - Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Trong nghề giáo, đạo đức của nhà giáo là vấn đề cần được đưa lên hàng đầu.
Hưởng ứng cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, trong những năm qua, trường THCS-THPT Trần Quốc Tuấn đã xây dựng được đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ngày càng đông đảo. Đại đa số nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đều làm việc tận tụy, tâm huyết với nghề, có phẩm chất chính trị, đạo đức và lối sống tốt. Tuy đời sống còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn song đội ngũ giáo viên vẫn ngày đêm miệt mài trên bục giảng, bám lớp, bám trường, sẵn sàng hy sinh quyền lợi bản thân để cống hiến hết mình cho sự nghiệp “trồng người”. Tuy nhiên, qua phương tiện thông tin đại chúng gần đây, chúng ta thấy, trong ngành giáo dục vẫn còn hiện tượng một số giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo. Hiện tượng đó gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh với chúng ta. Vậy chúng ta cần làm gì để giữ gìn được đạo đức nhà giáo. Theo tôi, mỗi nhà giáo chúng ta cần chú ý mấy vấn đề như sau:
Về phẩm chất chính trị: Chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Có ý thức tổ chức kỉ luật, chấp hành nghiêm sự điều động, phân công của tổ chức; có ý thức tập thể, phấn đấu vì lợi ích chung.
Về đạo đức nghề nghiệp: Tâm huyết với nghề nghiệp, có ý thức giữ gìn danh dự, lương tâm nhà giáo; có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp; có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, đối xử hoà nhã với học sinh.Tận tuỵ với công việc; thực hiện đúng điều lệ, quy chế, nội quy của đơn vị, nhà trường, của ngành. Công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực của học sinh.
Về lối sống, tác phong: Sống có lí tưởng, có mục đích, có ý chí, thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Có lối sống hoà nhập với cộng đồng, phù hợp với bản sắc dân tộc và thích ứng với sự tiến bộ của xã hội. Tác phong làm việc nhanh nhẹn, khẩn trương, khoa học; có thái độ văn minh, lịch sự trong quan hệ xã hội, trong giao tiếp với đồng nghiệp, với học sinh, với phụ huynh học sinh. Trang phục, trang sức khi thực hiện nhiệm vụ phải giản dị, gọn gàng, lịch sự, phù hợp với nghề dạy học. Kiên quyết đấu tranh với các hành vi trái pháp luật.
Về giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo. Không gian lận trong học tập và giảng dạy. Không trù dập, chèn ép hay thiên vị với học sinh. Không xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự của học sinh và đồng nghiệp. Không tổ chức dạy thêm trái với quy định. Không gây bè phái làm mất đoàn kết. Không được sử dụng bục giảng làm nơi tuyên truyền những nội dung trái với quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước. Không trốn tránh trách nhiệm, không đi muộn về sớm, bỏ giờ, cắt xén, dồn ép chương trình, vi phạm quy chế chuyên môn làm ảnh hưởng đến kỉ cương, nề nếp của nhà trường.
Những vấn đề nêu trên hầu hết nằm trong Quy định về đạo đức nhà giáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, đó không phải chỉ là những vấn đề lí thuyết mà chúng ta phải thực sự thấm nhuần thể hiện bằng hành động cụ thể. Chúng ta tự hào về nghề nhiệp của mình, vượt lên trên những khó khăn chung của đất nước và đáp ứng những yêu cầu của xã hội. Vui vẻ với công việc luôn tạo không khí cho giáo viên và học sinh “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Bên cạnh sự nỗ lực của mỗi nhà giáo thì Ban giám hiệu, các cấp quản lí cũng cần phải thường xuyên động viên, kiểm tra, đôn đốc. Sự đồng tình ủng hộ của gia đình, nhà trường và xã hội, sự thấu hiểu và thông cảm của phụ huynh cũng chính là động lực thúc đẩy quá trình phấn đấu và trưởng thành của mỗi nhà giáo.
Chúng ta đều biết rằng, Giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ là một chiến lược quan trọng của quốc gia. Đó thật sự là việc làm vừa hợp ý Đảng vừa hợp lòng dân, mà trọng trách lớn được đặt trên vai những nhà giáo. Thầy cô giáo chính là tấm gương để học sinh soi vào. Khi tấm gương ấy thực trong sáng, thì những tiêu cực sẽ hạn chế và sớm bị loại trừ. Nhà sư phạm người Nga-Usinxki từng nói: “Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác". Hơn bao giờ hết, chúng ta cần xây dựng được đội ngũ những người làm công tác giáo dục có đầy đủ phẩm chất, năng lực, vừa “hồng”, vừa “chuyên” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Điều này góp phần quan trọng để xây dựng trường THCS-THPT Trần quốc Tuấn ngày càng vững mạnh và cao hơn là để khẳng định tri thức, trình độ phát triển giáo dục của dân tộc, góp phần quan trọng cho thắng lợi của công cuộc hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển đất nước hôm nay.
Hà Phương
Tổ Ngữ văn - GDCD