Có thể nói lịch sử Việt Nam gắn liền với các cuộc chiến tranh xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử, người phụ nữ luôn đồng hành và được đặt vào vị trí rất quan trọng của thời đại. Từ thực tiễn cuộc sống và chiến đấu, đã hình thành nên những phẩm chất, đức tính quý báu riêng có của người phụ nữ Việt Nam, được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát qua 8 chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Những phẩm chất đó đồng thời cũng là truyền thống vô cùng quý báu của dân tộc Việt Nam.
Với những giai đoạn lịch sử khác nhau, tài năng, trí tuệ, khí phách của người phụ nữ Việt Nam được thể hiện ở những hình thức khác nhau. Nếu dưới thời phong kiến, khi tư tưởng trọng nam khinh nữ còn thống trị xã hội, người phụ nữ đã thể hiện vai trò của mình một cách hết sức đặc biệt. Khi đất nước có giặc ngoại xâm họ cũng “múa gươm đi quyền”, cũng “giả trai” cưỡi voi ra trận. Khi đất nước có hòa bình họ cũng “giả trai” để đem tài năng của mình cống hiến cho đất nước. Dưới thời đại mới, vai trò của người phụ nữ được nâng cao lên một tầm cao mới. Họ được quyền tham gia bình đẳng với nam giới trong tất cả các mặt, các lĩnh vực của đời sống chính trị - kinh tế - xã hội. Họ là Hội Phụ nữ Cứu quốc, là Đội quân tóc dài, là Thanh niên xung phong, là Phụ nữ ba đảm đang. Ý chí kiên cường và nghị lực phi thường của phụ nữ Việt Nam được thể hiện đậm nét trong câu nói “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, ... Họ cũng bay lên vũ trụ, cũng thám hiểm đáy đại dương, cũng chỉ huy quân đội, cũng nghiên cứu khoa học và làm kinh tế giỏi, có những vị trí tưởng chừng như là “đặc quyền” của nam giới như nhà du hành vũ trụ, tướng lĩnh trong quân đội, thậm chí là trở thành các nguyên thủ quốc gia thì phụ nữ cũng ghi tên mình trên đó. Họ không chỉ vươn lên đuổi kịp nam giới trên tất cả các lĩnh vực mà còn có những “đặc quyền”, “thiên chức” riêng mà tạo hóa đã ban cho. Chính họ đã sản sinh ra lớp lớp những thế hệ người khác nhau, bảo đảm cho sự tồn không đứt đoạn của lịch sử dân tộc. Có thể nói họ là nhân tố chính góp phần bảo tồn dân tộc trước các hiểm họa ngoại xâm Bà Trưng, Bà Triệu, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Bình... và muôn vàn người phụ nữ giản dị, thầm lặng khác đã, đang và sẽ từng ngày, từng giờ như con ong chăm chỉ cần củ tiết ra mật ngọt cho đời. Công lao to lớn của họ đã được ghi nhận và tạc nên thành tượng đài “Mẹ Việt Nam Anh hùng”.
Là một bộ phận không thể thiếu trong biên chế, cơ cấu tổ chức của Trường THCS-THPT Trần Quốc Tuấn, Hội phụ nữ và Công đoàn nhà trường đã đóng góp rất tích cực cho công cuộc “dạy chữ, dạy người” tại trường. Trên từng cương vị, chức trách nhiệm vụ được giao, từ các đồng chí trong Ban Giám hiệu, Chủ tịch Công đoàn, đến các đồng chí là giáo viên, nhân viên, phụ nữ nhà trường đã đem hết tài năng và công sức tận tụy phục vụ công việc chuyên môn của mình. Các đồng chí giáo viên thì đổ mồ hôi trên từng trang giáo án, đau đầu vắt óc tìm ra những nội dung mới, những phương pháp hay để truyền thụ kiến thức cho học sinh. Các đồng chí trong bộ phận bảo đảm thì luôn nỗ lực cố gắng để các em học sinh có điều kiện thuận lợi nhất, tốt nhất yên tâm học tập và rèn luyện. Đó là những quyển sách quý còn thơm mùi mực in ở thư viện, những bữa cơm ngon, những khu vực vệ sinh gọn gàng sạch sẽ, hay những buổi sinh hoạt ngoại khóa sôi nổi hào hứng... đâu đâu cũng thấy vai trò to lớn của Ban Giám hiệu, Công đoàn và phụ nữ nhà trường.
Mặc dù công việc bộn bề khó khăn nhưng phụ nữ nhà trường luôn khẳng định được vị thế của mình cả trong “việc nước” và “việc nhà”, luôn phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của tổ chức và làm tròn trách nhiệm với gia đình. Họ đã xuất sắc “việc nước việc nhà vẹn toàn”, trọn cả hai “vai”. Bằng lao động của mình, ngày ngày họ âm thầm đóng góp vào thành tích chung của trường. Nhiều chị em đã đạt giải Giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố như cô Phạm Thị Oanh, Nguyễn Thị Nụ, cô Nguyễn Thị Thanh Hương, cô Nguyễn Thị Huyền, cô Nguyễn Thị Ninh , cô Cao Thị Hậu, cô Trần Thanh Mai, ... và rất nhiều cô khác đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp Cụm như cô Trần Thị Yên, cô Lê Ngọc, cô Hà Phương, cô Trần Thị Hằng, cô Nguyễn Thị Thanh, cô Tịnh Thủy, Cô Lộ Thị Sang Hương, cô Nguyễn Thị Loan, ... và nhiều cô khác nữa. Dưới bàn tay chăm sóc, dạy dỗ của các cô, lớp lớp các thế hệ học sinh Việt Nam và Lào đã tích cực, nỗ lực học tập rèn đức, luyện tài trở thành những học sinh vừa hồng vừa chuyên. Nhiều em đã đoạt giải học sinh giỏi cấp quận, cấp thành phố, đặc biệt có em được đứng trong đội ngũ học sinh giỏi của thành phố tham gia kì thi học sinh giỏi Quốc gia. Điều đặc biệt hơn, với đặc thù của nhà trường là học sinh tập trung từ nhiều quốc gia, vùng miền trong cả nước, đầu vào có nhiều điểm không tương đồng, nhiều em phải sống xa nhà khi tuổi đời còn rất nhỏ, có em mới bước vào học lớp 6. Khi về với trường mặc dù thiếu thốn về tình cảm và sự chăm sóc của cha mẹ nhưng bù lại, các em như có một gia đình thứ hai trong đó các cô giáo như mẹ hiền đã tận tâm chăm sóc và dạy dỗ các em thành người. Thời gian qua chất lượng dạy học ở trường đã từng bước được củng cố và hoàn thiện, chất lượng dạy học ngày càng được nâng cao. Kết quả đó trực tiếp được phản ánh qua các kì thi tốt nghiệp và kì thi đại học. Có nhiều năm, có nhiều lớp có tỉ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học lên tới 100%. Chính những thành tích “trồng người” đó đã góp phần không nhỏ để xây dựng và củng cố uy tín cho nhà trường, biến trường thành một địa chỉ đỏ, tin cậy thu hút các em học sinh trong cả nước tập trung về đây cùng nhau rèn đức, luyện tài.
Ngày 20 tháng 10 hàng năm là ngày mà toàn thể đất nước và người dân Việt Nam hướng về người phụ nữ với những lòng biết ơn và tình cảm trân trọng nhất. Biết ơn họ đã, đang và sẽ cống hiến tài năng, công sức cho cuộc đời ngày càng đơm hoa kết trái.
Trong không khí vui tươi phấn khởi của ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, hàng năm Ban Giám hiệu, công đoàn nhà trường Trường THCS-THPT Trần Quốc Tuấn đều có những chương trình hoạt động thiết thực để chào mừng sự kiện có tính chất đặc biệt này. Nhà trường đã tổ chức hàng loạt các hoạt động tham quan những nơi lưu trữ và trưng bày những hiện vật có liên quan đến vai trò của người phụ nữ Việt Nam như: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam nhằm giáo dục và bồi dưỡng thêm những truyền thống tốt đẹp và phẩm chất cao quý của người phụ nữ đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường. Ngoài ra nhà trường còn tổ chức mời các chuyên gia về dạy trang điểm cho các chị em trong trường hay tổ chức các hoạt động thi nấu ăn, thi nữ công gia chánh để tăng cường sự đoàn kết trong phụ nữ nhà trường; củng cố hơn nữa các kỹ năng cho người phụ nữ để họ luôn luôn “giỏi việc nước” và cũng “đảm việc nhà”. Với sự quan tâm lớn lao đó, hơn bao giờ hết, phụ nữ Trường THCS-THPT Trần Quốc Tuấn sẽ có đủ điều kiện thuận lợi, lòng quyết tâm để sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần vào thực hiện thắng lợi sự nghiệp giáo dục và công cuộc “dạy chữ, dạy người” tại trường.
Trong mỗi chúng ta, ai ai cũng có người phụ nữ của riêng mình. Họ có thể là người bà, người mẹ, người vợ, người chị, người em.... Nhân dịp ngày hội 20 tháng 10, chúng ta hãy dành cho họ những tình cảm trân trọng, yêu quý nhất; hãy dành cho họ những bó hoa tươi thắm nhất để cám ơn họ vì tất cả những gì họ đã, đang và sẽ cống hiến cho cuộc đời.
Ngô Thị Hiên
Tổ Ngữ Văn - GDCD