Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm
Tổ quốc có bao giờ đẹp thế này chăng…
Câu thơ của Chế Lan Viên đã thôi thúc chúng tôi tìm đến với sông Hồng- con sông Cái của đất Mẹ Việt Nam thân yêu. Sông Hồng không chỉ là nơi ghi dấu bao trang sử hào hùng của dân tộc mà còn là nơi chứa đựng bao huyền tích của Văn hóa Việt Nam. Và ngày nay sông Hồng là điểm du lịch hấp dẫn để bao lớp con cháu tìm về chiêm bái, khám phá nét đẹp Văn hóa của nền Văn minh Sông Hồng.
Kỉ niệm 1975 ngày Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và 105 năm ngày QTPN 8/3 năm nay, Chi ủy, Ban Giám hiệu và Công đoàn trường THCS-THPT Trần Quốc Tuấn đã tổ chức cho tập thể CB, GV, CNV nữ Nhà trường hành hương về cội nguồn kết hợp với du xuân đầu năm trên chiếc tàu Thăng Long 18 của Công ty TNHH một thành viên Thăng Long GTC Xí nghiệp đầu tư & phát triển Du lịch Sông Hồng vào ngày 8/3/2015.
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay…Ngày hôm ấy là một ngày thật đặc biệt: chủ nhật, ngày mồng 8/3. Cơn mưa phùn rả rích cũng không ngăn được 70 chị em chúng tôi lên đường. Trong trang phục chỉnh tề, lịch sự, chúng tôi háo hức lên tàu Thăng Long 18 để khám phá sông Hồng với bao vẻ đẹp lung linh, tiềm ẩn của nó.
Đúng 7giờ, đoàn chúng tôi đã có mặt ở Chùa Bồ Đề, một ngôi chùa nổi tiếng về tâm linh và lòng nhân ái. Được Sư thầy của Chùa trực tiếp hành lễ và phát lộc, ai ai cũng an tâm, phấn khởi cho chuyến du xuân sông nước đầu năm Ất Mùi này.
Lên thuyền, chị em chúng tôi nhanh chóng tìm được chỗ ngồi ưng ý. Khoang thuyền rộng rãi, thoáng mát và rất sạch sẽ có thể chứa được cả trăm khách tham quan. Trên thuyền có đầy đủ áo phao, bàn ghế, có cả điều hòa, cửa kính để du khách thoải mái ngắm nhìn cảnh bãi bờ sông nước quê hương. Một khung cảnh bình yên, thơ mộng. Thật bất ngờ, ngày 8/3 cũng là ngày sinh nhật của một cô giáo trẻ trung, xinh đẹp, tài năng: cô Phạm Thị Oanh - Phó Hiệu trưởng Nhà trường. Chỉ một bó hoa tươi thắm với lời chúc nồng nhiệt, những tiếng vỗ tay giòn giã... Bài hát Happy Birthday to you vang lên giữa mênh mang sóng nước... đơn giản thôi mà sao thấy ấm áp, thân thương.
Không hẹn mà gặp, trên tàu Thăng Long 18 hôm ấy, đoàn chúng tôi gặp thêm đoàn giáo viên trường THPT Ngô Thì Nhậm, một ngôi trường cũng đứng chân trên đất Hà Nội cũng đi tham quan. Cả hai trường nhanh chóng hòa nhập. Những bài hát, những điệu nhảy, những câu đố vui … làm cả con tàu sôi động hẳn lên xua tan đi cái giá lạnh tháng Ba. Đặc biệt là sự giao lưu dí dỏm, hài hước của cả hai đội về mối tình huyền thoại Chử Đồng Tử- Tiên Dung, bài hát về những sự vật thân thuộc… làm rộ lên những tràng cười thoải mái. Làm chúng tôi quên hết những nhọc nhằn, phiền muộn hàng ngày. Chúng tôi như được trở về tuổi thơ hồn nhiên, vô tư giữa đất trời sông nước quê hương.
9g30 phút, tàu cập bến đầu tiên. Chúng tôi đi bộ lên tham quan Đền Dầm và Đền Đại Lộ, hai ngôi Đền thờ Mẫu thuộc địa phận thôn Xâm Dương, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội. Tại đây, chúng tôi được nghe về lịch sử của hai ngôi Đền, được tận mắt nhìn thấy cây đa 800 tuổi, được tận tay sờ vào cây thị thiêng 375 tuổi… Ai cũng khấp khởi mừng thầm, bởi trong tâm, ai cũng nguyện cầu cho nhà mình có tình yêu, có con cái, có dâu hiền rể thảo… một ước nguyện rất bình dị mà cũng rất thiêng liêng.
Sau khi trở lại tàu Thăng Long 18, chúng tôi lại xuôi theo Sông Hồng về thôn Đa Hòa, xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên để tham quan Đền Đa Hòa - Đền Chử Đồng Tử. Trong tín ngưỡng thờ tự Việt Nam, Chử Đồng Tử là một trong bốn nhân vật huyền thoại được dân gian phong Thánh (Tứ bất tử). Tín ngưỡng thờ “Tứ bất tử” đến nay vẫn là một trong những giá trị văn hóa tinh thần của các dân tộc Việt Nam. Chử Đồng Tử là tượng trưng cho tình yêu, hôn nhân và sự sung túc, giàu sang. Thiên tình sử của chàng trai đánh cá nghèo Chử Đồng Tử với nàng công chúa lá ngọc cành vàng Tiên Dung thì ai cũng biết nhưng ngôi Đền này lại thờ Chử Đồng Tử và Nhị vị Phu nhân khiến chúng tôi háo hức tìm hiểu và đã được biết. Hai người vợ yêu của Chử Đồng Tử là Công chúa Tiên Dung (con của Hùng Vương thứ 18) và nàng Tây sa công chúa (vốn là công chúa Tây cung giáng trần).
Người có công xây dựng lại ngôi Đền này là Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh (1862-1905, người làng Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên)-danh sĩ thời Nguyễn, tác giả bài phú Hàm Tử quan hoài cổ nổi tiếng. Chu Mạnh Trinh là người đa tài. Ngoài tài thơ, ông còn là một nhà kiến trúc. Chính Ông đã thiết kế ngôi Đền Chử Đồng Tử và vân động nhân dân xây dựng. Trong quy mô ngôi Đền có 18 công trình (18 nóc nhà lớn nhỏ) tượng trưng cho 18 đời Vua Hùng và 18 trăng tròn của Công chúa Tiên Dung khi gặp gỡ với Chử Đồng Tử.
Được nghe HDV giới thiệu ngôi Đền cổ, được đọc thêm tư liệu về Chử Đồng Tử, chúng tôi thấy cảm kích vô cùng về Đền Chử Đồng Tử - linh thiêng một tình yêu. Nơi đây được gọi là ngôi Đền Tình Yêu quả không sai. Không chỉ là huyền thoại về tình yêu mà Đền Chử Đồng Tử còn là bài ca về lòng hiếu thảo, về đạo làm người, là minh chứng của nền văn minh lâu đời của dân tộc Việt Nam.
Ăn cơm trưa trên tàu, được nghỉ ngơi thư giãn, chúng tôi thấy mình như trẻ ra, khỏe thêm bởi sự dẫn dắt chương trình dí dỏm của cô giáo Nguyễn Thị Huyền (tổ Hóa sinh), cô Tịnh Thủy (tổ Ngữ văn) và sự hài hước của hai đấng mày râu Đình Tý và Tiến Phương (BCHCĐ). Chúng tôi lại có dịp ngồi chuyện trò tâm sự, thi nhau chụp lại những khoảnh khắc hiếm có này, và tình cảm của chị em đồng nghiệp đã trở nên thân thiết hơn rất nhiều.
14 giờ, tàu cập bến Bát tràng. Chúng tôi thỏa sức vào chợ sắm sửa. Bao nhiêu là sản phẩm truyền thống, bao nhiêu là sắc màu tươi vui. Bao nhiêu là du khách Tây có, ta có; bao nhiêu là tiếng nói, tiếng cười tíu tít, râm ran.. khiến cho Bát tràng ngày 8/3 càng náo nhiệt, rộn ràng. Hăm hở, lang thang trong chợ hơn hai tiếng đồng hồ, chúng tôi cũng đã chọn mua được những món đồ ưng ý của làng Gốm Bát Tràng: lọ hoa, bộ ấm trà, bát đĩa, vật dụng… có người còn mua được cả những con vật ngộ nghĩnh đáng yêu để tặng người thân ngày đầu xuân.
Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Theo lời dạy của ông cha, chúng tôi hỏi thăm những người dân trong vùng và đã biết thêm được nhiều điều thú vị. Làng gốm Bát Tràng thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Bát Tràng có nghĩa cái sân lớn, là mảnh đất dành cho chuyên môn, được hình thành từ Thời Lê, cách đây hơn 700 năm. Nghề gốm lâu đời của làng gồm nhiều loại sản phẩm chính như: đồ dùng sinh hoạt, đồ thờ cúng và đồ gốm sứ mĩ nghệ với 5 dòng men chủ yếu: men lam, men nâu, men trắng (ngà), men ngọc và men rạn (loại men độc đáo nhất)... Ngắm những sản phẩm của chợ gốm Bát Tràng mà chúng tôi thầm cảm phục những nghệ nhân làng gốm khéo léo, tài hoa đã thổi hồn dân tộc vào nắm đất quê hương, làm nên những vật dụng thân thiết hằng ngày, làm nên một làng nghề nổi tiếng của Hà Nội, Việt Nam- Làng gốm Bát Tràng. Bất chợt tôi nhớ lại câu ca dao xưa: Ước gì anh lấy được nàng/ Để anh mua gạch Bát Tràng về xây... Người phụ nữ ngày ấy, gạch Bát Tràng ngày ấy và Làng gốm Bát Tràng ngày nay mãi mãi là vẻ đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Là bản sắc muôn đời của Văn hóa Việt Nam.
Đến cuối chiều, chúng tôi lên tàu về lại bến, bến đỗ của chuyến tàu du lịch, bến đỗ của tình yêu đất nước quê hương. Một ngày du lịch - một ngày vui. Chúng tôi dường như trẻ lại với tình cảm bạn bè, đồng nghiệp; trẻ lại với tình yêu với quê hương đất nước, với dòng chảy Văn hóa của nền Văn minh Sông Hồng. Chúng tôi tự hào mình là phụ nữ, một nửa của thế giới thân thương.
Lần kỉ niệm 1975 năm ngày khởi nghĩa Hai Bà Trưng và 105 năm QTPN này thật đầy ý nghĩa và trọn vẹn niềm vui với tập thể CB,GV,CNV trường THCS-THPT Trần Quốc Tuấn. Hẹn ngày 8/3 năm sau chúng tôi lại tiếp tục lên đường đi để tìm hiểu một miền quê mới của đất nước Việt Nam thân yêu.
Hồ Thanh Mai
Tổ Ngữ văn- GDCD