Trong không khí cả nước tưng bừng tổ chức các hoạt động kỉ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015), 129 năm Ngày Quốc tế Lao động (01/5/1886 - 01/5/2015) và 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2015); được sự chỉ đạo của BGH, Đoàn trường THCS-THPT Trần Quốc Tuấn hân hoan tổ chức buổi chào cờ với chủ đề “Đất nước trọn niềm vui”. Về dự buổi chào cờ có sự hiện diện đông đảo của các thầy cô trong BGH, các thầy cô trong hội đồng nhà trường cùng toàn thể các bạn học sinh.
Bạn Bùi Nhật Linh – học sinh lớp 11A – thay mặt các bạn học sinh trong trường nói lên những suy nghĩ, tâm tư tình cảm về ngày 30/4 hào hùng
Chúng ta đang sống trong những ngày tháng 4 lịch sử. Với mỗi người dân Việt Nam, ngày 30/4/1975 là một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đó là ngày cả dân tộc Việt Nam ca khúc khải hoàn. Đó là ngày giang sơn thu về một mối, Bắc - Nam liền một dải từ địa đầu Lũng Cú đến đất mũi Cà Mau. Vĩ tuyến 17 chỉ còn là di tích lịch sử một thời… Đó là ngày tỏa sáng một chân lý mà Bác Hồ đã nói: “Đất nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Từ đây dân tộc Việt Nam bước sang một trang sử mới, một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên của độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Có thể khẳng định rằng chiến thắng 30/4 là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, là đỉnh cao của khí phách và trí tuệ của con người Việt Nam. Chiến thắng 30/4 là chiến thắng của nội lực bền bỉ. Cả dân tộc đã kiên cường chiến đấu, hy sinh để đi tới thắng lợi trọn vẹn “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào”. Chiến thắng 30/4 là chiến thắng của truyền thống văn hoá Việt Nam, của sự lãnh đạo tài tình, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng qua các phim tư liệu, qua sử sách, qua các câu chuyện của những người đi trước và qua những trang nhật kí của các anh hùng liệt sĩ, chúng ta cũng cảm nhận được khí thế sôi sục của quân và dân ta trong những ngày tháng tư lịch sử ấy. Tất cả cho miền Nam thân yêu, tất cả cho miền Nam ruột thịt. Các đoàn quân nối nhau trùng trùng, điệp điệp tiến vào Nam. Các anh bộ đội miệng cười tươi, vẫy tay chào tạm biệt người thân, hẹn ngày chiến thắng trở về. Các anh đi với khí thế bừng bừng, với niềm tin sắt son vào chiến thắng. Và chúng ta cũng cảm nhận được niềm hạnh phúc của tất cả mọi người khi toàn thắng đã về ta. Niềm vui vỡ oà thành tiếng khóc, nhà thơ Tố Hữu đã viết:
Ôi! nỗi mừng dâng mọi nỗi mừng
Trào vui nước mắt cứ rưng rưng
Cả Việt Nam tiến công,
Cả miền Nam nổi dậy
Dồn dập tin ta trăm trận thắng bừng bừng.
Sau 30 năm đấu tranh gian khổ, kháng chiến đã thành công. Đất nước đã thống nhất, sự chia cắt không còn nữa, giang sơn thu về một mối, Bắc-Nam sum họp một nhà. Đất nước trọn niềm vui, niềm vui của chiến thắng, của đoàn tụ. Tất cả đã trở về vẹn nguyên với đúng nghĩa của hai tiếng “VIỆTNAM”. Tâm trạng mỗi người cứ lâng lâng. Thực mà cứ như mơ… Niềm vui quá lớn không văn thơ, không ngôn từ nào diễn tả được. Trong thời khắc niềm vui tràn ngập niềm vui, chúng ta lại nhớ đến Bác- người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, người cha già của dân tộc. Nhớ đến công ơn của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì quê hương đất nước.
Hôm nay đây, chúng ta được sống trong một đất nước hoà bình, độc lập; một đất nước không có khói súng, không có tiếng bom. Chúng ta được sống trong tình yêu thương của bố mẹ, thầy cô, bạn bè ...Tiếng cười của chúng ta giòn tan trong ánh nắng. Đó là niềm hạnh phúc không phải đất nước nào, thế hệ nào cũng được hưởng. Để chuyển giao cho thế hệ chúng ta một đất nước hoà bình độc lập, cha anh chúng ta đã đổi cả tuổi xuân, cả xương máu của mình. Máu của các anh, các chị đã thấm đẫm mảnh đất quê hương làm cho mỗi nhành cây, ngọn cỏ trở thành hồn thiêng sông núi. Chúng ta hãy quyết tâm cùng nhau bảo vệ và xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp!
Tiếp theo là chương trình văn nghệ với các tiết mục đặc sắc, được dàn dựng công phu, sáng tạo và đầy ý nghĩa do các thầy cô giáo và em học sinh trường THCS-THPT Trần Quốc Tuấn trình bày.
Mở đầu là bài hát Cô gái mở đường của nhạc sĩ Xuân Giao, một trong những khúc ca hay nhất viết về đề tài những cô gái TNXP ở đường Trường Sơn. Những giai điệu sôi nổi, trẻ trung của "Cô gái mở đường" như lời tri ân những đóng góp lớn lao của lực lượng TNXP trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Tiết mục Năm anh em trên một chiếc xe tăng của nhạc sĩ Doãn qua phần trình bày vô cùng đặc sắc và ấn tượng của 5 các bạn HS Lào.
Các bạn khan giả cũng được tham gia vào phần Trò chơi “Tung bóng vào rổvô cùng thú vị với những phần quà rất hấp dẫn của BTC do thầy Vũ Đức Hảo điều hành.
“Miền Nam ơi ! Miền Nam!
Hỡi những dòng sông soi bóng dừa xanh, những đỉnh núi khuất mây mờ xa tắp
Ta sẽ đến nơi đâu còn giặc. Ta chưa về khi tổ quốc chưa yên.
Việt Nam ! Việt Nam ! Ôi tổ quốc vinh quang...”
Tiếp theo chương trình là ca khúc Đường chúng ta đi, nhạc sĩ Huy Du - thơ Xuân Sách, qua phần trình bày thật xúc động và tình cảm của học sinh Lê Quang Hiếu, học sinh cũ của trường.
Cùng với bộ đội Cụ Hồ, những chàng trai, cô gái TNXP đã trở thành một hình ảnh đẹp, lãng mạn trong chiến tranh. Và những hình ảnh: cô gái tải đạn, cô giao liên... đã đi vào không biết bao những tác phẩm thơ ca nhạc họa.... Ca khúc Cô gái Sài Gòn đi tải đạn của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ là một trong những ca khúc viết về các nữ TNXP được gửi tới chương trình qua phần trình bày của các cô giáo.
Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên
Câu thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng lực lượng TNXP vào năm 1951 không chỉ là lời hiệu triệu, động viên những TNXP tham gia vào cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc năm xưa; mà còn mãi như một lời dạy lớp lớp thế hệ thanh niên Việt Nam về sau cần phải rèn đức, luyện tài để... tiếp bước cha anh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 26/ 4/ 1975 một ca khúc đã ra đời trong thời điểm cả dân tộc đang sục sôi hướng tới ngày vui toàn thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm đó. Và ngay ngày hôm sau, ca khúc đã được thu âm và được phát đi khắp cả nước lần đầu tiên trên sóng truyền thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ca khúc theo dòng nhạc cách mạng, được miêu tả là một khúc ca hào hùng tràn ngập niềm hân hoan tột cùng của cả một dân tộc mừng vui chiến thắng, khí thế hoành tráng, tưng bừng, sống động của ngày đất nước ca khúc khải hoàn. Ca khúc từ lâu đã trở thành một trong những bài về ngày toàn thắng phổ biến và thành công nhất trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Đó chính là ca khúc Đất nước trọn niềm vui của nhạc sĩ Hoàng Hà do các thầy giáo trình bày, tốp múa phụ họa.
Những ca từ hùng tráng, vui tươi trong Đất nước trọn niềm vui đã khép lại chương trình chào cờ đầy ý nghĩa. Chiến tranh đã lùi xa nhưng buổi chào cờ đầy ý nghĩa như hôm nay sẽ nhắc nhở thế hệ học sinh không bao giờ và không được phép quên về quá khứ hào hùng trong lịch sử đấu tranh, dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, không bao giờ quên công ơn to lớn của Đảng, của Bác Hồ, của các anh hùng, liệt lĩ đã chiến đấu, hi sinh để chúng ta được sống trong một đất nước Việt Nam hòa bình và đang phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay.
Giáo viên Nguyễn Thị Huyền
Tổ bộ môn Hóa - Sinh