Nhân ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2015), sáng Thứ bảy (19/12/2015), đoàn đại biểu các thầy giáo, cô giáo và học sinh Trường THCS – THPT Trần Quốc Tuấn đã tới thăm, tặng quà Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành, tại địa bàn huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Đúng 8 giờ sáng, xe khởi hành. Rời thành phố Hà Nội ồn ào náo nhiệt, hướng về vùng đất Kinh Bắc lịch sử, được tận mắt chứng kiến những phong cảnh, cuộc sống thanh bình nơi thôn quê Việt Nam, ai cũng vô cùng thích thú và cảm nhận về một sự sống tốt đẹp đang sinh sôi nơi các miền quê của đất nước Việt Nam thân yêu.
Nhưng thực tế không còn như vậy cho tới khi đến với Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành Bắc Ninh. Tại đây, mỗi thành viên trong đoàn lại dậy lên những cảm xúc vô cùng khó tả. Đó là niềm xúc động, nỗi xót xa xen lẫn niềm cảm phục trước thực tế của cuộc sống nơi đây. Có thể nói, cũng như tôi, rất nhiều các con học sinh trong đoàn đều mới là lần đầu tiên được đến thăm trung tâm ( vì mỗi năm nhà trường chỉ lựa chọn những học sinh ưu tú ở các khối lớp để đại diện cho toàn thể học sinh của nhà trường về thăm TT), nên đều không khỏi có những cảm nhận bất ngờ. Bởi tại đây, hình ảnh về những cuộc chiến tranh khốc liệt bảo vệ Tổ quốc trong những thập kỷ qua, tưởng chừng như đã lùi vào quá khứ, vẫn thực sự đang hiện hữu. Tại đây, 97 thương bệnh binh nặng hạng 1/4 (tỷ lệ thương tật từ 81% trở lên, thậm chí 100%), trong đó có 2 thương binh từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, 68 thương binh thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, 27 thương binh thời kỳ bảo vệ, xây dựng đất nước... vẫn hàng ngày hàng giờ chiến đấu với thương tích, đau đớn, bệnh tật, cùng những di chứng nặng nề của chiến tranh. Các thương bệnh binh từ các chiến trường khác nhau cũng như từ nhiều tỉnh và thành phố trong cả nước, thuộc nhiều dân tộc (Kinh, Tày, Nùng, Pa-cô,...), đã được tiếp nhận vào điều trị hoặc an dưỡng.
Đồng chí Nguyễn Khắc Dư, Giám đốc Trung tâm, cho biết: Đặc thù thương tật của các bác thương binh tại đây là 90% bị thương vào cột sống, gây liệt 1/2 người, phải gắn phần đời còn lại trên chiếc xe lăn. Cũng có đến 10% các bác thương binh bị nhiều thương tật tổng hợp, tức cụt 2 tay cùng cụt chân, hay hỏng mắt...Do di chứng vết thương cột sống, dẫn đến nửa người bên dưới bị teo cơ, mất cảm giác, không tự chủ được sinh hoạt cá nhân. Nhiều thương binh mắc thêm các chứng bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, sỏi thận, sỏi bàng quang, viêm đường tiết niệu, loét lưng, ụ ngồi... Cá biệt có bác thương binh nặng nhiễm chất độc da cam nên khi sinh con thì con cũng bị khuyết tật rất thương cảm; cũng có những trường hợp quá nặng, sống thực vật kéo dài nhiều năm. Hơn nữa, cho đến nay, nhiều bác thương binh trong người vẫn còn những mảnh đạn, viên bi từ vũ khí Mỹ vẫn nằm trong cột sống, trong đầu,... Mỗi khi trái nắng trở trời, các vật lạ trên gây ra những cơn đau nhức nhối, có thể ở hốc mắt, mỏng cụt, trong đầu,... gây cảm giác bỏng buốt dây thần kinh, tạo ra những cơn co giật rất đau đớn. Nhiều bác phải nhờ cậy hoàn toàn vào sự chăm sóc của các y bác sỹ trong Trung tâm và người thân.
Tuy nhiên, theo chú Nguyễn Khắc Dư, các bác thương binh ở đây vẫn kiên cường vượt lên bệnh tật, giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, vẫn thực hiện tốt lời Bác dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”. Nhiều bác thương binh đã vượt lên chính mình, quyết tâm chiến thắng bệnh tật, quyết tâm học tập vươn lên, nêu tấm gương lớn về nghị lực sống. Nhiều bác đã học được nghề sửa chữa điện tử, điện dân dụng (radio, tivi, đồ diện dân dụng...) vừa làm nguồn vui trong cuộc sống, vừa tăng thêm thu nhập. Nhiều bác tham gia viết báo, làm thơ, tích cực tham gia nuôi con khỏe, dạy con ngoan, học giỏi, noi gương theo truyền thống cha ông.
Xúc động trước những tấm gương của các bác thương binh, thày Ngô Văn Quân, phó hiệu trưởng nhà trường đã phát biểu và tặng quà cho TT. Thay mặt cho tập thể cán bộ giáo viên và học sinh nhà trường, thày đã bày tỏ lời chia sẻ và lòng tri ân trước những mất mát đau thương của các bác. Các bác thương binh ở Trung tâm thực sự là những tấm gương sáng về lòng yêu nước, sự hy sinh, và nghị lực sống phi thường để vượt lên những đau thương mất mát, chiến thắng bệnh tật.
Sau phần gặp mặt giao lưu với các các thương bệnh binh tại hội trường TT, đoàn đã đi thăm nơi ăn ở sinh hoạt của các bác, chia sẻ và được nghe những câu chuyện vô cùng cảm động có cả sự éo le về cuộc sống của các bác. Đặc biệt, đoàn đến tận phòng của các thương binh nặng không thể ngồi trên xe lăn để tham gia buổi gặp mặt. Trong số đó, các thành viên trong đoàn thực sự không khỏi ngậm ngùi, xúc động trước phòng bệnh của bác thương binh bị nhiễm chất độc da cam. Bác không thể ngồi dậy, toàn thân đau đớn, lở loét. Chúng tôi cũng chỉ biết chia sẻ nỗi đau đớn với bác bằng những tình cảm chân thành, những lời động viên tinh thần và những ánh nhìn thông cảm, xót xa. Bởi nỗi đau ấy của bác, người ngoài khó thể nào cảm nhận được hết. Chứng kiến nỗi đau quá lớn mà bác đang phải chịu đựng hàng ngày, tôi cảm thấy lòng mình như nghẹn lại. Và chắc hẳn mọi người cũng như tôi, đều cảm nhận sự thật đau lòng về chứng tích còn để lại đó của chiến tranh tàn khốc.
Trong niềm cảm xúc ấy, Thày Ngô Văn Quân còn thông qua những câu chuyện về cuộc đời của các bác thương binh giúp các em học sinh tự nhận thức những bài học sâu sắc về nghị lực sống, về cách sống của thế hệ trẻ với những sự hy sinh to lớn mà các thế hệ cha ông đã trải qua. Cũng qua đó, nhắc nhở các em biết trân trọng quá khứ lịch sử vẻ vang của dân tộc, biết sống tốt, học giỏi, chăm ngoan để xúng danh là những chủ nhân tương lai của đất nước. Những cuộc trò chuyện, thăm hỏi sức khỏe các bác tại trung tâm đã đem lại cho chúng tôi những bài học quý giá, những trải nghiệm vô cùng có ý nghĩa về tấm gương và nghị lực của các bác thương bệnh binh đang điều dưỡng tại TT, để học tập, noi theo.
Chia tay các bác ở Trung tâm, đoàn tiếp tục ghé thăm gia đình bác Trần Danh Phúc – Thương binh hạng ¼ đang điều trị tại Trung tâm. Bác Phúc là bố đẻ của cô Trần Thị Kim Chúc, giáo viên đang công tác tại trường. Đoàn cũng giành những lời thăm hỏi động viên chân thành sâu sắc nhất tới bác và gia đình. Chúc bác và gia đình luôn có sức khỏe tốt, vượt lên nỗi đau thương tích để mãi là điểm tựa tinh thần vững chắc cho con cháu noi theo.
Khoảng 11 giờ, đoàn ăn trưa, nghỉ ngơi ít phút tại quán ăn gia đình rất đầm ấm, vui vẻ và lên đường về trường kết thúc chuyến đi vào lúc 14 giờ cùng ngày. Chuyến đi thực sự thành công tốt đẹp và vô cùng có ý nghĩa.
Tôi hy vọng, những chuyến đi bổ ích như thế này sẽ là những bài học thiết thực nhất, những tri thức cuộc sống có ý nghĩa để mỗi cán bộ giáo viên và học sinh trong toàn trường sẽ mang theo trong hành trang của mình để tự nhận thức và phấn đấu xây đắp tương lai tốt đẹp từ nền móng của quá khứ quang vinh.
Hà Nội ngày 19/12/2015
Giáo viên : Phạm Thị Kiều