Có thể nói, giao thông vận tải có vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, một nhân tố quan trọng, là động lực góp phần to lớn thúc đẩy sự phát triển của đất nước, củng cố an ninh quốc phòng, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Giao thông vận tải tham gia tích cực vào mọi hoạt động của đời sống văn hoá, kinh tế - chính trị - xã hội của đất nước. Nhờ có giao thông mà mọi vùng miền của đất nước được kết nối thành một chỉnh thể thống nhất, là mạch máu lưu thông hàng hoá, là phương tiện thúc đẩy giao lưu, kết nối các cá nhân trong cộng đồng và giao thương quốc tế. Những mặt tích cực mà Giao thông vận tải đem lại cho chúng ta là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, nó cũng có những mặt trái không thể bỏ qua, đặc biệt là vấn đề mất an toàn giao thông đường bộ.
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước, nhân dân ta đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: Đất nước được xây dựng ngày càng to đẹp hơn, đàng hoàng hơn, chất lượng đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên có một thực tế là, trong lĩnh vực giao thông vận tải, ở một số nơi, tại một số thời điểm, đặc biệt là các thành phố lớn, hạ tầng giao thông chưa phát triển tương xứng so với yêu cầu đặt ra, đôi khi trở thành lực cản của sự phát triển chung của xã hội. Một trong những mặt tiêu cực mà giao thông gây ra đó là tình trạng mất an toàn giao thông đã trở thành một vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong dư luận và nóng cả nghị trường. Nổi cộm trong “vấn nạn” đó không thể không tính đến ý thức chấp hành Luật an toàn giao thông đường bộ của một bộ phận không nhỏ người dân còn chưa cao, thậm chí là vô cùng kém.
Theo con số thống kê mới đây, Việt Nam hiện đứng thứ 11 trên thế giới về số nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông. Ngày 03/1/2019, tại hội nghị Công an toàn quốc, lãnh đạo Bộ Công an cho biết trong năm 2018, toàn quốc xảy ra hơn 18.700 vụ (giảm trên 1.300 vụ so với năm 2017) làm hơn 8.200 người chết (giảm 35 người) và khoảng 14.800 người bị thương (giảm hơn 2.200 người). Trung bình mỗi ngày cả nước xảy ra 52 vụ tai nạn giao thông và khiến 23 người tử vong.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hậu quả đau lòng từ tai nạn giao thông song chủ yếu nhất vẫn là do ý thức của người tham gia giao thông chưa cao, nếu không muốn nói là yếu kém. Đó là một bộ phận người có thể vô tình hay hữu ý vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Ở mức độ nào đó xã hội còn nương nhẹ với những sai phạm ấy, còn có nhiều hành vi "ấu trĩ" cổ vũ cho những hành động ngược đời ấy nhưng đáng tiếc hơn nhiều, còn một bộ phận không nhỏ, đã bất chấp luật pháp, vi phạm nghiêm trọng Luật Giao thông đường bộ. Cụ thể như: đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ, hành hung cảnh sát giao thông.
Tai nạn giao thông để lại hậu quả vô cùng nặng nề cả về vật chất và tinh thần cho con người và xã hội. Mất người, mất của, mất đi những trụ cột trong nhiều gia đình, kinh tế tụt hậu, con cái bơ vơ, thiếu chỗ nương tựa và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển chung của xã hội... là những nỗi đau mà tai nạn giao thông mang lại.
Làm thế nào để tai nạn giao thông không còn là nỗi ám ảnh trong cuộc sống của chúng ta? Đây là vấn đề nan giải cần phải tập trung nỗ lực cao nhất của các cấp các ngành và mọi tầng lớp nhân dân. Quốc hội và Ủy ban ATGT Quốc gia đã kịp thời đưa ra các biện pháp chỉ đạo và hành động quyết liệt để đẩy lùi tiến tới chặn đứng vấn nạn về tai nạn giao thông như: tổ chức Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông đã long trọng diễn ra tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, tổ chức Lễ cầu siêu cho các nạn nhân của tai nạn giao thông; chỉ đạo các cơ quan ban ngành, đặc biệt là lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông.
Hiện nay tình hình tai nạn giao thông ở nước ta đang diễn ra ngày càng phức tạp và gia tăng. Đây là một vấn nạn của xã hội cần phải bị đẩy lùi và chặn đứng. Là một công dân, đồng thời là một giáo viên, hằng ngày tham gia vào các hoạt động giao thông, tôi và các đồng nghiệp nhận thấy mình cần phải gương mẫu và có trách nhiệm trong việc hạn chế tai nạn giao thông hiện nay. Để làm được việc đó cần phải làm tốt một số giải pháp sau:
1, Một là: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hạ tầng giao thông đáp ứng và theo kịp mọi sự phát triển của kinh tế xã hội.
2. Hai là: Tăng cường công tác giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho mọi tầng lớp nhân dân, kết hợp với giám sát, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm luật giao thông.
3. Ba là: Đổi mới chương trình giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, đưa nội dung giáo dục luật giao thông vào chương trình học chính khoá trong các cấp học từ Tiểu học Trung học phổ thông; coi đó là một tiêu chí quan trọng trong đánh giá kết quả rèn luyện, hình thành kĩ năng sống cho học sinh. Trong đó đặc biệt coi trọng đến cấp Tiểu học vì cấp Tiểu học là cấp quan trọng nhất, là nơi các em chập chững học những bài đầu tiên và cũng chính những bài học đầu tiên ấy có tác dụng rất lớn đến thói quen, ý thức và hình thành nhân cách của con trẻ để từng bước tạo ra những lớp công dân mới có ý thức luật pháp tốt hơn.
Hưởng ứng chủ trương của Đảng và Nhà nước về đẩy lùi và tiến tới chặn đứng tai nạn giao thông, thời gian vừa qua, Trường THCS - THPT Trần Quốc Tuấn đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để thu hút mọi cán bộ giáo viên, công nhân viên và học sinh của nhà trường tham gia các phong trào tìm hiểu, giáo dục và phát động phong trào thi đua chấp hành an toàn giao thông. Từ đó xây dựng nên một hệ thống quy định chặt chẽ và nghiêm ngặt đối với toàn thể cán bộ giáo viên, công nhân viên và học sinh của trường khi tham gia giao thông. Các hoạt động trọng tâm mà Nhà trường đã tổ chức đó là phát động cuộc thi Tháng an toàn giao thông, đưa nội dung giáo dục ý thức chấp hành an toàn giao thông cho toàn thể cán bộ giáo viên, công nhân viên và học sinh của toàn trường vào nề nếp và quy định bắt buộc, lấy đó làm tiêu chí quan trọng trong đánh giá và bình xét kết quả thi đua hàng tuần, tháng, quý, năm. Cụ thể là Nhà trường luôn thúc đẩy việc đổi mới và làm phong phú thêm các phương pháp, hình thức tuyên truyền giáo dục như kịch hóa, tiểu phẩm hóa nội dung. Đặc biệt là quy định bắt buộc mọi trường hợp khi tham gia giao thông bằng xe máy, xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm và có hình thức chế tài cụ thể đối với người vi phạm.
Để khắc phục tình trạng trên, nâng cao chất lượng giáo dục an toàn giao thông cho học sinh, mỗi giáo viên cần phải chủ động, tâm huyết tìm tòi, áp dụng những phương pháp truyền đạt mới như:
- Tổ chức sân chơi về luật giao thông để học sinh tham gia giao lưu, học hỏi và ghi nhớ như: tọa đàm về an toàn giao thông, tưởng định các tình huống giao thông để học sinh tham gia xử lý, kịch hóa nội dung bài giảng, thi vẽ tranh, sáng tác thơ văn về chủ đề giao thông…
- Mời đại diện của các cơ quan chuyên môn đến giao lưu, hướng dẫn thực hiện luật an toàn giao thông…
- Thành lập các tổ, đội xung kích tham gia cùng thầy cô giáo điều hành, hướng dẫn, theo dõi hoạt động giao thông trong trường, nhất là tại cổng trường lúc tan học…
- Động viên học sinh tham gia các cuộc thi về an toàn giao thông.
Là một trong những cơ sở giáo dục đầu ngành của Thủ đô Hà Nội, những năm qua, Trường THCS - THPT Trần Quốc Tuấn luôn đi đầu trong mọi hoạt động dạy, học và phổ biến nội dung chương trình "An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai". Bản thân tôi, là một giáo viên dạy văn, đảm nhiệm nội dung giáo dục an toàn giao thông cho học hinh của trường. Trên cương vị, chức trách nhiệm vụ được giao, dù có khó khăn do không được đào tạo chuyên ngành về luật nhưng tôi luôn chủ động trau dồi kiến thức, tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu, biên soạn giáo án, tìm ra những phương pháp thích hợp nhất đối với từng nhóm học sinh để giúp các em đạt kết quả cao nhất trong học tập, tiếp thu kiến thức về an toàn giao thông. Bên cạnh đó, tôi còn chủ động tham mưu cho Ban giám hiệu nhà trường trong công tác giáo dục nội dung thiết thực này; chủ trì hướng dẫn, tổ chức cho các khối lớp học sinh và giáo viên tham gia các cuộc thi về chủ đề an toàn giao thông trong đó có cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”. Cục thể là:
Tham mưu cho Cấp uỷ Chi bộ, Ban Giám hiệu nhà trường ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ giáo dục đào tạo của cả năm học và của từng quý trong đó xác định giáo dục an toàn giao thông là một trong những nội dung đức dục trọng tâm cho học sinh. Sau khi ra nghị quyết, Chi bộ Nhà trường đã tiến hành quán triệt đến từng tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong toàn trường; đưa nội dung an toàn giao thông vào các bài học kiến thức liên môn.
Định hướng cho học sinh biết cách sưu tầm tài liệu học tập về an toàn giao thông trên Internet, xem các tình huống giao thông và học cách tham gia giao thông an toàn trên truyền hình. Bên cạnh đó, tôi đã trực tiếp cung cấp cho học sinh thông tin về một số loại phương tiên giao thông phù hợp, các trang bị cá nhân: mũ bảo hiểm, quần áo bảo hiểm của một số nhà sản xuất có chỉ số an toàn cao (như Honda) để các em có sự lựa chọn tốt nhất khi mua sắm các phương tiện, trang bị đó và tham gia giao thông một cách an toàn.
Vinh dự và tự hào cho các thế hệ cán bộ giáo viên, công nhân viên và học sinh của Trường THCS - THPT Trần Quốc Tuấn, ngôi trường có bề dày thành tích trong sự nghiệp trồng người của Thủ đô Hà Nội, được học tập các nội dung vô cùng lý thú và bổ ích về Luật An toàn Giao thông, chúng tôi tự tin sẽ góp phần nhỏ bé vào những hoạt động thiết thực để đẩy lủi và chặn đứng vấn nạn tai nạn giao thông bởi:
"AN TOÀN GIAO THÔNG LÀ HẠNH PHÚC CỦA MỌI NHÀ"
Ngô Thị Hiên
Tổ Ngữ Văn - GDCD