Thực hiện Kế hoạch Liên tịch số 9757/HDLT-SGD&ĐT-CĐGD ngày 13/10/2015 của Sở GD&ĐT và Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội, ngày 12/12/2015 cụm trường Nam – Bắc Từ Liêm long trọng tổ chức Hội thi “Cô giáo tài năng duyên dáng” năm học 2015 - 2016 tại trường THPT Newton. Tới dự và chỉ đạo Hội thi có đồng chí Đỗ Văn Nam - Phó chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Hà Nội, cùng các đồng chí lãnh đạo, chủ tịch công đoàn và đông đảo các thầy cô giáo, học sinh của 9 trường trong Cụm: THPT Đại Mỗ, THPT Minh Khai, THPT Trần Quốc Tuấn, THPT Thượng Cát, THPT Xuân Đỉnh, THPT Đoàn Thị Điểm, THPT Newton và THPT Lê Thánh Tông.
Hội thi “Cô giáo tài năng duyên dáng” nhằm tôn vinh vẻ đẹp về tài năng, trí tuệ, phẩm chất đạo đức, nét đẹp sư phạm của các nữ giáo viên, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, khơi dậy và phát huy trách nhiệm, ý thức của mỗi nhà giáo trong công tác giảng dạy trong nhà trường. Hội thi đã góp phần tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, các cuộc vận động lớn của ngành, phát huy vai trò, vị trí của đội ngũ nữ giáo viên trong hoạt động giáo dục đào tạo nói riêng và trong đời sống xã hội nói chung. Hội thi nhằm động viên, cổ vũ để mỗi nữ giáo viên phấn đấu nâng cao hơn nữa phẩm chất và năng lực sư phạm, mãi xứng đáng với sự tin yêu của học sinh, phụ huynh và sự tôn vinh của xã hội.
Với trình độ chuyên môn vững vàng, khả năng sư phạm tốt, lòng say mê với công việc, nhiệt tình trong các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, cô giáo Nguyễn Thị Huyền, giáo viên Hóa tổ Hóa - Sinh, đã đại diện cho tập thể nữ giáo viên nhà trường tham dự hội thi này. Hội thi gồm bốn vòng thi: thi trình diễn trang phục áo dài, trình diễn trang phục tự chọn, thi tài năng và thi hiểu biết, ứng xử.
Giống như nhiều nữ giáo viên, cô giáo Nguyễn Thị Huyền rất yêu thích chiếc áo dài truyền thống. Đến với hội thi, cô giáo đã chọn cho mình chiếc áo dài màu trắng trang nhã, tinh khôi tôn lên những nét đẹp dịu dàng, duyên dáng của người phụ nữ. Áo dài cũng là trang phục cô thường lựa chọn mỗi khi lên lớp bởi mỗi khi mặc áo dài, cô luôn cảm thấy tự tin, tự hào khi mình là người con gái Việt và dường như những chiếc áo dài đã truyền thêm cảm hứng cho cô trong mỗi bài giảng.
Trong phần thi tài năng, cô giáo đã gửi đến hội thi nhạc phẩm không lời “Song from a secret garden” qua tiếng đàn organ. Song from a secret garden- giai điệu của khu vườn bí mật – là một bản nhạc trữ tình, sâu lắng. Giai điệu trầm buồn, chầm chậm cô giáo đã mang đến cho người nghe những phút giây thư thái, tĩnh lặng, không còn cái ồn ào,vội vã của cuộc sông thường nhật, mọi người dường như đang chìm trong vẻ đẹp của khu vườn bí mật.
Với nhiều năm giảng dạy, gắn bó và chủ nhiệm lớp có các em học sinh đến từ nước bạn Lào, cô giáo đã có nhiều cơ hội được tìm hiểu những nét đẹp văn hóa của đất nước hoa Chămpa – đất nước Lào xinh đẹp. Cô giáo đã chọn bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Lào để trình diễn trong phần thi trang phục tự chọn. Cũng giống như áo dài Việt Nam, bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Lào được may bằng vải lụa cao cấp; các họa tiết hoa văn được thêu dệt công phu, tinh tế. Bộ trang phục đã tôn lên được nét đẹp dịu dàng của người phụ nữ. Phần trình diễn đầy tự tin và duyên dáng của cô giáo Nguyễn Thị Huyền đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho khán giả và ban giám khảo.
Cuối cùng là phần thi hiểu biết và ứng xử sư phạm. Các câu hỏi tập trung vào các cuộc vận động của ngành, các tình huống sư phạm, cuộc sống xã hội. Câu hỏi của vị giám khảo số 4 dành cho cô giáo Nguyễn Thị Huyền là một tình huống sư phạm rất thú vị: “Trong giờ chữa bài tập, có một học sinh đưa ra cách giải quyết ngắn gọn và độc đáo hơn cách giải của giáo viên. Nếu là người giáo viên ở tình huống trên, bạn sẽ chọn cách xử lý nào?”.
Với sự bình tĩnh và tự tin, cô giáo đã đưa ra một câu trả lời hết sức thông minh, ngắn gọn, súc tích nhưng đã phục được tất cả các vị giám khảo khó tính nhất cũng như toàn thể khán giả có mặt trong khán phòng: “…Trước hết tôi sẽ khen em học sinh đó thông minh, chỉ ra sự độc đáo trong cách giải của em và cho em điểm 10. Tôi cũng khuyến khích cả lớp cần học tập tích cực như bạn, chịu khó suy nghĩ để tìm ra nhiều cách giải hay. Đồng thời tôi cũng giải thích cho các em học sinh biết mỗi bài toán có nhiều cách giải khác nhau: có cách giải thông thường mà tất cả học sinh đều làm được, có cách giải độc đáo giành cho những em khá giỏi. Khi lên lớp, cô thường chọn cách giải thông thường để các bạn có học lực trung bình cũng có thể hiểu được và làm được…”.
Với sự thông minh, hóm hỉnh và duyên giáng, cô giáo Nguyễn Thị Huyền còn mang đến hội thi một tiết mục giao lưu văn nghệ đầy ấn tượng trên nền nhạc bài hát “Bà tôi” của tác giả Nguyễn Vĩnh Tiến.
Kết quả là cô giáo Nguyễn Thị Huyền đã vinh dự đạt giải “Thí sinh có phần ứng xử hay nhất” và giải nhì chung cuộc hội thi “Cô giáo tài năng duyên dáng” năm học 2015 – 2016 cụm trường Nam – Bắc Từ Liêm.
Sự hào hứng, nhiệt tình, tâm huyết, tự tin của các thí sinh; tinh thần làm việc nghiêm túc, khẩn trương, trách nhiệm, khoa học của ban tổ chức, ban giám khảo; sự cổ vũ nhiệt tình của các thầy cô giáo và các em học sinh đã làm nên thành công của hội thi. Hội thi đã khép lại nhưng vẫn còn để lại trong mỗi khán giả những cảm xúc thăng hoa, những hình ảnh đẹp, duyên dáng, tài năng của các cô giáo tham gia hội thi. Sau hội thi, trở về với công việc hàng ngày, các cô sẽ tiếp tục, làm tròn bổn phận làm con, làm vợ, làm mẹ đồng thời cống hiến tài năng, nét duyên dáng của mình trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo để ngày càng tỏa sáng làm cho ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội ngày càng phát triểt hơn, phát huy truyền thống của người phụ nữ Việt Nam .
Tổ Hóa - Sinh