LỄ DÂNG HƯƠNG ĐỀN TRẦN
Lòng biết ơn là truyền thống tốt đẹpcủa dân tộc Việt nam. Lòng biết ơn mang giá trị nhân văn sâu sắc. Đây cũng là điều mà mỗi người đều có thể nhận thức được và luôn nhắc nhở bản thân phải ghi nhớ. Lòng biết ơn cần được giữ gìn và tỏa sáng nhất là trong xã hội ngày nay.
Chính vì vậy, để nhắc nhớ thày trò nhà trường luôn khắc ghi công ơn của vị anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn ( Ngôi trường mang tên người anh hùng dân tộc) , hàng năm, cứ vào độ tháng 8, trước thềm năm học mới, nhà trường lại tổ chức cho đại diện các phòng, ban, Cán bộ, Giáo viên nhà trường đi dâng hương lễ Đền Trần ở Nam Định – một vùng đất “địa linh, nhân kiệt”. Nơi đây có cụm di tích lịch sử nổi tiếng trong cả nước gồm: Đền Thiên Trường, Chùa Phổ Minh và Đền Bảo Lộc, là nơi thờ 14 vị vua Trần triều cùng gia quyến và các quan lại có công phò tá, đặc biệt là Đền thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Đúng 6giờ 30 phút ngày 9/7 âm lịch, tức ngày 19/8 2018, xe xuất phát tại trường, đến nơi lúc 8h 30phút. Đoàn đã tập trung dâng hương kính lễ, thảnh thơi thưởng ngoạn cảnh trí trong khu đền và cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất đến với nhà trường trong năm học mới. Bên cạnh đó, ai cũng thành tâm, chiêm nghiệm về một vương Triều vàng son của dân tộc trong quá khứ với tình cảm trân trọng, nâng niu những giá trị lịch sử và lòng biết ơn sâu sắc.
Mặc dù, năm nào vào đúng dịp này, chúng tôi cũng có mặt ở khu di tích Đền Trần để dâng hương tưởng nhớ công đức của các vị vua thời Trần nhưng mỗi năm đều có những cảm xúc khác nhau và đều là những tình cảm thành kính và biết ơn sâu sắc. Và dường như, cảnh vật nơi mảnh đất linh thiêng này cũng trở nên gần gũi thân thương hơn với mọi người. Từng thành viên trong đoàn dâng hương, mỗi người đều có những ấn tượng sâu đậm riêng: có người mải mê đắm chìm trong suy tư, gợi sâu trong kí ức về hình ảnh các vị vua đời Trần. Có người lại lân la tìm hiểu thêm từ các cụ quản lý di tích về phong tục thờ cúng nơi cụm Đền. Có người thì dường như không thể dứt ra được trước sự quyến rũ của từng nhánh đa, gốc thị hay đóa hoa sen còn rớt lại cuối mùa hạ…cả đoàn hành hương ai cũng đều mang trong mình nỗi niềm vương vấn khó tả.
Đặc biệt, điều thú vị hơn nữa là, văn hóa tâm linh đã đem lại cho các thành viên trong đoàn đi lễ một sức khỏe tinh thần vô cùng phong phú. Mọi người ai cũng vui vẻ, yêu đời. Trong suốt cuộc hành trình cả lúc đi lẫn lúc về, chúng tôi đều trò chuyện rất hứng khởi. Có cả chương trình ca nhạc trữ tình đằm thắm về tình quê hương đất nước, tình bè bạn, tình đồng nghiệp được tổ chức trên xe. Tiếng cười nói không ngớt.
Sau cuộc hành trình một ngày, thời gian tuy ngắn ngủi, nhưng đã đem lại cho mỗi người cảm giác phấn chấn, thư thái, trào dâng niềm tự hào về truyền thống vẻ vang và oanh liệt của Triều đại nhà Trần, của dân tộc. Mỗi người đều có những cảm nhận của riêng mình và những cảm xúc trân quí những di sản văn hóa của dân tộc, quê hương. Mỗi người đều nhận ra rằng: phong tục đi lễ nơi các Đền, Phủ là để cầu an, cầu may mắn tài lộc cho cả năm. Nhà Dân tộc học Tạ Đức từng khảng định: "Đi lễ đền, phủ là tín ngưỡng thờ cúng thánh thần từ xưa của dân tộc Việt Nam. Bất cứ tín ngưỡng nào cũng đều hướng con người ta đến sự chân - thiện - mỹ”. Như vậy, chương trình hành hương về với Đề Trần hàng năm của nhà trường thực sự là một hoạt động có ý nghĩa giáo dục, ý nghĩa văn hóa, thẩm mỹ và ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Để từ đó, chúng ta thêm trân trọng và gìn giữ những giá trị phi vật thể, những truyền thống, phong tục tốt đẹp và thêm yêu cảnh trí, con người của đất nước Việt Nam ta.
Đây thực sự là chuyến đi bổ ích, lí thú. Chuyến đi khởi đầu cho một năm học mới, mang theo tâm nguyện, ước vọng của tất cả CB, GV, CNV nhà trường. Chắc chắn rằng, với lòng biết ơn, tưởng nhớ công ơn của các thế hệ cha ông thủa trước, với sự trân trọng, yêu mến những giá trị lịch sử, Trường THCS-THPT Trần Quốc Tuấn sẽ luôn luôn phát triển, xứng danh ngôi trường mang tên vị anh hùng dân tộc: Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Phạm Kiều