Trải nghiệm sáng tạo vốn không còn là một khái niệm xa lạ trong nhà trường phổ thông hiện nay, đặc biệt là khi vấn đề học tập thông qua hình thức trải nghiệm đã và đang được Bộ GD&ĐT chú trọng, nhấn mạnh. Tuy nhiên, việc lựa chọn nội dung trải nghiệm đáp ứng được các mục tiêu giáo dục cũng như thu hút sự thích thú tham gia của học sinh, xây dựng được kế hoạch trải nghiệm khoa học, hiệu quả, bổ ích lại là một thách thức không nhỏ. Thách thức đó đã trở thành động lực để các thầy cô giáo trong nhóm Sử trường THCS&THPT Trần Quốc Tuấn cùng toàn thể các em học sinh khối 6 tổ chức thành công cuộc hành trình “Tìm về nguồn cội” vào ngày 7 tháng 11 năm 2019 để phục vụ cho việc dạy chuyên đề Trường của nhóm Sử.
Khu di tích Thành Cổ Loa nằm ở huyện Đông Anh, ngoại thành của thủ đô Hà Nội. Đây là nơi diễn ra câu chuyện dựng nước, giữ nước của vua Thục Phán An Dương Vương và câu chuyện tình yêu bi thảm của công chúa Mị Châu và Phò mã người Trung Quốc, Trọng Thủy.
Không phải ngẫu nhiên mà địa điểm trên được nhóm Lịch sử lựa chọn để đưa vào hành trình khám phá. Đây chính là di tích lịch sử gắn liền với môn Lịch sử trong chương trình lớp 6 và lớp 10. Mục đích của hành trình trải nghiệm không chỉ dừng ở việc tạo ra một môi trường thực tế cho học sinh mà chuyến đi trải nghiệm đó còn là một hành trình mỗi học sinh tự khám phá những năng lượng và năng lực tiềm ẩn trong bản thân mình.
Đúng 7 giờ, cả đoàn xe nối đuôi nhau nhằm hướng Cổ Loa – Đông Anh thẳng tiến trong tâm trạng vô cùng hào hứng. Chưa đầy 1 giờ vùng đất lịch sử gắn liền với bao huyền thoại linh thiêng đã hiện ra. Mỗi lớp chúng tôi xếp thành hai hàng ngay ngắn tập trung trước sân đền thờ vua An Dương Vương. Tại đây, các em đã được cô hướng dẫn viên kể về lịch sử đất Cổ Loa với một chất giọng truyền cảm nghe thật hấp dẫn. Qua đó chúng tôi đã thấy được một Cổ Loa của mấy nghìn năm lịch sử hiện ra trước mắt cùng lòng quyết tâm đánh giặc của vua tôi nước Âu Lạc, mối tình đáng thương của nàng công chúa Mỵ Châu xinh đẹp và Trọng Thuỷ, và đặc biệt chúng tôi ghi nhớ thật sâu sắc hình ảnh một Cổ Loa của 9 vòng thành được xây hình xoáy trôn ốc với sự giúp đỡ của thần Kim Quy. Cô hướng dẫn viên hỏi các em rất nhiều về An Dương Vương, về Mị Châu… để cuối cùng các em sẽ hoàn thành Phiếu bài tập định hướng ở trường mà chúng tôi đã chuẩn bị sẵn cho các em. Tất cả, tất cả chúng tôi lắng nghe về Cổ loa một cách say sưa.
Và tiếp theo là đến phần tham quan các khu di tích. Theo sự chỉ dẫn của cô hướng dẫn viên, cô giáo đưa chúng tôi vào thăm đền thờ vua An Dương Vương, quan sát dấu tích 9 vòng thành còn lưu lại, thăm giếng Cổ Loa. Chúng em còn được chứng kiến hình ảnh tướng quân Cao Lỗ hiên ngang cùng nỏ thần.
Trong hành trình trải nghiệm của các em không thể không nhắc đến khu nhà trưng bày hiện vật lịch sử Cổ Loa. Đó là những chứng tích về một làngViệt cổ với bề dày lịch sử mấy nghìn năm.
Hào hứng hơn nữa đó là các cuộc thi! Các lớp tập trung trước một bãi cỏ rộng mênh mông. Các cuộc thi lần lượt diễn ra. Ở một góc nhỏ gần 80 học sinh đang háo hức được sử dụng những chiếc “nỏ” để bắn lấy điểm, ở một khu khác các em lại được chia thành các nhóm để đắp thành Cổ Loa bằng đất sét… không khí của các cuộc chơi thật rôm rã. Nhưng để lại ấn tượng nhất trong tôi đó là cuộc thi “nặn xôi bằng lá mít”, lần đầu tiên các em được tự tay mình cắt lá, ngâm khuôn và dùng khuôn đó để làm ra những chiếc oản xôi thật xinh và đẹp mắt.
Ở một góc khuất của sân chơi tôi để ý thấy có hai học sinh lớp 6A rất chăm chú vào cuốn sổ ghi chép của mình, có lẽ các em đang sắp xếp lại những nội dung mà mình học được học trong suốt cuộc hành trình.
Tham quan Cổ Loa thực sự là một chuyến đi ý nghĩa biết bao! Chúng tôi được dịp về một làng quê cổ xưa thanh bình, được gần gũi với thiên nhiên. Đặc biệt, chúng tôi có được thêm những hiểu biết sâu sắc về những trang sử Việt cùng những câu chuyện kể mang đầy sắc màu huyền thoại và linh thiêng.
Kết thúc hành trình trải nghiệm, khám phá tại Thành Cổ Loa, các bạn học sinh đã mang về nhà không chỉ kiến thức hay những trải nghiệm thực tế, mà còn chưa đầy ắp ba lô những tình cảm trân trọng, yêu quý dành cho những di tích lịch sử của đất nước, sự thân thiết gắn bó với bạn bè cũng như tình yêu dành cho môn Lịch sử.
Cô giáo Nguyễn Thị Loan
Tổ Sử Địa