Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng nói: “ Vào khoảnh khắc mà chúng ta thuyết phục được đứa trẻ, bất cứ đứa trẻ nào, bước qua bậc thềm ấy, bậc thềm màu nhiệm dẫn vào thư viện, ta thay đổi cuộc sống của nó mãi mãi, theo cách tốt đẹp hơn.” Thật vậy, câu nói trên đã khẳng định tầm quan trọng của việc đọc sách, của việc nâng cao tri thức con người.
Thế nhưng, theo một số khảo sát gần đây, Việt Nam chỉ có hơn 30% dân số đọc sách, thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách. Điều đó có nghĩa là: thời gian mà người Việt Nam dành cho đọc sách thuộc top thấp nhất trên thế giới. Đây là một thực trạng đáng buồn trong giới trẻ hiện nay. Lí do một phần đến từ việc các bạn trẻ dành nhiều thời gian cho học tập và làm việc, vì thế mà thời gian dành cho các hoạt động giải trí, bao gồm cả việc đọc sách cũng bị hạn chế. Hơn nữa, trong thời đại ngày nay, văn hóa nghe nhìn đang lấn át văn hóa đọc, điều đó xảy ra trong giới trẻ nói riêng và cả cộng đồng nói chung. Khi xã hội phát triển, mọi thứ cũng đã thay đổi rất nhiều. Thời xưa, người ta hay nói đến “sách gối đầu giường”, nhưng hiện nay, gối đầu giường của đa số các bạn trẻ lại là chiếc smart phone.
Bởi vậy, ngày 20/3/2023, BGH nhà trường THCS – THPT Trần Quốc Tuấn, phối hợp cùng thư viện và Đoàn Thanh niên tổ chức Ngày hội đọc sách với chủ đề “Sách với tuổi trẻ thanh niên”, nhằm nâng cao nhận thức về văn hóa đọc, khơi dậy lòng ham mê đọc sách, hình thành thói quen đọc sách, ý thức tự học, học tập thường xuyên, suốt đời của mọi người, đặc biệt là của học sinh. Bên cạnh đó phát huy vai trò của nhà trường đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc, góp phần xây dựng xã hội học tập. Ngày hội nhằm tạo nên không gian văn hóa vui tươi, bổ ích cho tất cả bạn đọc và những ai yêu quý sách. Đây cũng là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực chào mừng kỉ niệm 92 năm thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
Buổi lễ có sự góp mặt của đại diện cơ quan cấp trên, chi ủy, BGH nhà trường, bác Ứng Thị Bích Liên – đại diện Hội cha mẹ học sinh nhà trường, các thầy cô trong hội đồng sư phạm nhà trường và toàn thể các em học sinh trường THCS – THPT Trần Quốc Tuấn.
Mở đầu ngày hội, cô giáo Hà Thị Thu Phương – Phó Hiệu trưởng Nhà trường có đôi lời chia sẻ về mục đích tổ chức, cũng như chính là nỗi mong mỏi, trăn trở của Nhà trường về việc xây dựng, rèn luyện cũng như cải thiện, duy trì văn hóa đọc. Những lời chia sẻ đầy chân thành đã tạo động lực và cho các em học sinh hiểu hơn về vai trò của việc đọc sách.
Bao quanh không gian ngày hội là những gian xếp sách nghệ thuật của các nhóm lớp. Từng gian sách được xếp ngay ngắn, đầy tính nghệ thuật, những cuốn sách được chọn lựa kĩ lưỡng, qua bàn tay của các em học sinh, như được thổi hồn. Đi qua từng gian sách, khán giả có thể thấy được sự tâm huyết, thái độ nâng niu của các em với sách, và sự sáng tạo, cá tính của từng khối lớp. Bên cạnh đó còn rất nhiều poster, áp phích cổ động văn hóa đọc, cũng như rất nhiều tranh vẽ về cuốn sách hoặc nhân vật văn học mà các em yêu thích. Tất cả tạo nên không gian văn hóa đọc đầy tính nghệ thuật.
Nội dung chính của chương trình là phần giới thiệu sách, kể chuyện theo sách và sân khấu hóa tác phẩm văn học. Phải kể đến phần giới thiệu cuốn sách “Búp sen xanh” (Sơn Tùng) của học sinh khối 10. Không chỉ là lời giới thiệu, cảm nghĩ chân thành của các em học sinh về một tác phẩm nổi tiếng viết về Bác, đó còn thực sự là một tác phẩm nghệ thuật khi kết hợp với nhạc và phần múa minh hoạt. Từng lời chia sẻ, du dương theo tiếng nhạc, và sự uyển chuyển của tà áo dài đã cho thấy sự trân trọng của các em dành cho cuốn sách về Bác.
Các em học sinh lớp 11D1 tiếp tục dẫn dắt người xem đến với lời giới thiệu về chị Võ Thị Sáu – người phụ nữ Việt Nam trong trận chiến ác liệt và tàn khốc. Đó là khát vọng chính đáng, là sức mạnh dân tộc, yêu hòa bình, tự do và khát khao độc lập.
Lịch sử chính là cách chúng ta nhìn lại về gốc gác ông cha, vì vậy các giáo viên đã sớm truyền cho học sinh niềm đam mê đọc sách, đặc biệt là sách lịch sử. Các cô giáo tổ Tiếng Việt cùng với các em học sinh đã dày công xây dựng vở kịch “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” – một tiết mục hoành tráng, công phu, âm thanh sống động. Mặc dù chỉ là những diễn viên nghiệp dư, nhưng các em học sinh đã thể hiện một trang sử Việt, tái hiện lại một trong những nhân vật lịch sử nổi tiếng dưới triều đại nhà Trần thế kỉ XIII – anh hùng Trần Quốc Toản. Điều này giúp học sinh toàn trường có cái nhìn tiếp cận thú vị hơn với lịch sử Việt Nam.
Kết thúc chương trình là hoạt động tặng sách cho các lớp, đây được coi là sự động viên, khích lệ các em học sinh hãy yêu sách, hiểu được tầm quan trọng của văn hóa đọc, hãy luôn trau dồi hiểu biết và hãy nâng niu những cuốn sách như những người bạn quý.
Qua hoạt động này, nhà trường hi vọng sẽ mang lại cho các em học sinh nhiều niềm vui, tạo điều kiện tốt nhất cho bạn đọc nâng cao nguồn tri thức, phục vụ cho việc học tập, bồi dưỡng, trau dồi kiến thức và kĩ năng của mình.
Tống Thị Thục Anh