Làng là câu chuyện kể về người nông dân tên Hai Thu, người làng Chợ Dầu. Nhân vật giản đơn ấy đã in sâu vào trái tim độc giả ngay từ những trang viết đầu tiên. Ông Hai được khắc họa trong tác phẩm là một người nông dân chân chất, mộc mạc. Tình yêu làng của ông cũng chất phác như chính con người ông vậy. Đối với ông, yêu làng có nghĩa là yêu nước, yêu làng có nghĩa là tự hào khi kể về ngôi làng của mình hàng ngày, hàng giờ. Yêu làng là nhớ lại những ngày tháng gian khổ đắp ụ, đào đường, be bờ, xẻ đá…Yêu làng là yêu cả những câu hát bông phèng mỗi giờ giải lao…Đối với ông Hai Thu, tình yêu làng đã trở thành hơi thở của cuộc sống, trở thành niềm tin, trở thành niềm tự hào không dứt trong những câu chuyện thường nhật. Tình yêu làng thiết tha, sâu nặng ấy càng được thể hiện sâu sắc khi nhà văn đặt nhân vật vào tình huống bất ngờ, độc đáo. Đó là tình huống nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc. Tình huống ấy khiến người đọc cảm nhận sâu sắc hơn tình yêu làng trong một tâm hồn giản dị. Hôm ấy, cũng như mọi ngày, từ phòng thông tin ra, ông lão đang phấn chấn vì nghe ngóng được nhiều tin vui từ kháng chiến thì lại gặp những người tản cư. Ông quay phắt lại lắp bắp hỏi khi nghe người ta nhắc đến tên làng ông, mong nhận được những tin tốt lành, nào ngờ lại là tin dữ: “Cả làng chúng nó Việt gian theo Tây…”. Tin dữ ấy khiến ông lão đau đớn, nhục nhã, xấu hổ, bế tắc, tuyệt vọng. Ông lão không còn háo hức, vui sướng mỗi khi nhắc đến ngôi làng của mình nữa. Thay vào đó là một sự đấu tranh nội tâm giằng xé. Ông trách người làng, trách người đưa tin rồi lại đến trách mình. Ông ở lì trong nhà, không bước chân ra khỏi cửa, trốn chạy khỏi thực tại, tự mình chống chọi với nỗi đau đớn tột cùng. Nỗi ám ảnh day dứt trong ông biến thành nỗi sợ hãi.
Tình cảnh của ông càng éo le hơn khi bà chủ nhà có ý muốn đuổi gia đình ông đi. Ông chợt nghĩ về làng nhưng lại phản đối ngay “ về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ”, ông không cam chịu “ quay lại làm nô lệ cho thằng Tây”. Qua câu nói trên, ta thấy tình yêu làng của ông Hai đã lớn rộng thành tình yêu nước bởi dẫu tình yêu làng có bị lung lay nhưng tình yêu ông dành cho kháng chiến, cho Cụ Hồ không hề thay đổi. Ông lựa chọn một cách dứt khoát và đau đớn: “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Dù xác định thù làng nhưng ông vẫn không thẻ dứt bỏ tình cảm của mình với nó. Thê nên ông mới đau đớn, xót xa. Ông đành tìm niềm an ủi trong lời tâm sự với thằng út. Ông hỏi những điều mà ông biết trước câu trả lời: “Thế nhà con ở đâu?”, “Thế con ủng hộ ai?”… Câu trả lời của thằng bé giản dị mà thiêng liêng: “nhà ta ở làng Chợ Dầu”, “Ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh muôn năm!”…ông muốn con cùng khắc cốt ghi tâm. “Ông lão xúc động, nước mắt ông lão giàn ra chảy ròng ròng trên hai má.”, ông mong mình được minh oan. Thế mới thấy, dẫu có thế nào thì ông vẫn trung thành với kháng chiến, với Cụ Hồ.
Tình huống câu chuyện thật trớ trêu làm sao! Nhưng may thay, tin làng Chợ Dầu theo giặc được cải chính. Ông Hai sung sướng như người được sống lại. Ông đóng khăn áo chỉnh tề rồi tất tả chạy theo người báo tin mà quên dặn trẻ coi nhà. Đến đâu cũng câu nói “Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ. Đốt nhẵn! Ông chủ tịch làng tôi mới lên trên này cải chính… cải chính cái tin làng Chợ Dầu chúng tôi đi Việt gian ấy mà. Láo! Láo hết! Toàn là sai sự mục đích cả”, vừa nói “ông lão cứ múa tay lên mà khoe”. Tác giả đã đặt nhân vật trong ngôn ngữ khá tự nhiên, bộc lộ thêm tính chất người nông dân Việt Nam thời kì kháng chiến chống Pháp. Ông Hai khoe nhà mình bị đốt là minh chứng rằng làng không theo giặc. Mất hết cả cơ nghiệp nhưng ông lão vẫn sung sướng, không hề tiếc nuối. Qua đó ta hiểu thêm, đối với ông vật chất chẳng có giá trị gì cả, nhưng danh dự, tinh thần yêu nước là trên cả. Đó là một niềm vui kì lạ nhưng thể hiện cảm động tình yêu làng, yêu nước, tinh thần hi sinh của người nông dân Việt Nam trong cuộc kháng chống giặc ngoại xâm.
Trần Ngọc Anh Sơn – 9B