Chuyên nghiệp hơn với mạng xã hội
Ở Việt Nam không thiếu tình trạng học trò, sinh viên vào các trang riêng của mình phiền trách giáo viên hay chỉ trích điều gì đó ở trong lớp, bởi tinh thần giáo dục theo khuynh hướng Khổng giáo thường không quen chuyện phản biện tức thì. Mà thường khi các giáo viên đọc được những điều này thì mọi chuyện đã… thôi rồi! Thậm chí so với nhiều thập niên trước còn tệ hơn, vì các mẩu tin đó đã được copy và lan tràn khắp các diễn đàn.
Trong tài liệu e-Learning Industry 2013 được phát cho các giáo viên tại Mỹ, những nhà nghiên cứu nhấn mạnh các giáo viên nếu bắt gặp học trò đang sử dụng Facebook thì khoan vội giận dữ, mà hãy coi đó là một cơ hội bằng vàng để tiếp cận nhanh với giới trẻ bằng chính tinh thần của chúng.
“Đối đầu với một trận tuyến có hơn 1 tỉ người bằng sự cực đoan là điều không khôn ngoan, mà hãy tạo một nơi tập hợp họ bằng chính công cụ này” – tập tài liệu này ghi và đồng thời giới thiệu các cách thức tổ chức nhóm học, lấy ý kiến, sinh hoạt học đường ngay trên Facebook như một cẩm nang “gián điệp” cho các giáo viên ở mọi cấp.
Một tài liệu khác được áp dụng cho các giáo viên ở Canada có tên là Facebook Guide for Teachers cảnh báo các giáo viên quá quen với đường lối giáo dục truyền thống và luôn “dị ứng” thời đại truyền thông mạng: “Hãy đối diện với một sự thật là những người đến trường từ cấp mẫu giáo đến sinh viên hiện nay đang ngày càng xã hội hóa việc học hành nhiều hơn.
Vậy tại sao chúng ta không thử gặp gỡ, kết nối họ ngay trên vùng đất của họ bằng Facebook và các phương thức học mang tính tương tác? Như vậy bạn có thể kết nối tốt với học sinh, cũng như ngầm dạy họ cách ứng xử có trách nhiệm trên thế giới truyền thông mạng”.
“Tối mật” của người dạy học
Mạng xã hội có những điều thú vị, nhưng sự thú vị đó chỉ kéo dài nếu các nhà giáo dục biết cách tham gia và xây dựng hàng rào cần thiết cho mình. Các chuyên gia giáo dục đã đưa ra một số lời khuyên sau trong các cẩm nang nêu trên:
1. Giáo viên không nên trao đổi riêng với học sinh của mình ở trang cá nhân, cũng như hạn chế không nêu rõ hết thông tin cá nhân của mình. Tham gia thế giới mạng, tốt nhất là xây dựng một trang mở, cho ghi danh thành viên. Luôn để học sinh của mình đăng ý kiến mà người khác có thể nhìn thấy. Điều đó giúp họ chịu trách nhiệm với ngôn từ của mình, cũng như tạo ra môi trường tương tác chung tốt hơn.
2. Chuyện được biết trong trang riêng đó không dùng để làm thông tin ở các trang ngoài. Như vậy sự thổ lộ và cảm giác được bảo vệ trong nhóm thảo luận sẽ khiến học sinh tham gia muốn chia sẻ nhiều hơn, tâm lý của họ cũng tốt hơn khi vào các trang riêng này. Dĩ nhiên, những chuyện cần được khen ngợi thì nên phát đi để khuyến khích.
3. Là giáo viên, bạn sẽ không đủ thời gian để quản lý hết. Hãy chia việc cho các học sinh thân cận có trách nhiệm nhằm quan tâm đến các lời bình, nội dung đăng tải… và giúp bạn phản ứng đúng với các sự cố mới từ một ai đó. Nhưng hãy nhớ một nguyên tắc sống còn là làm bạn với học trò của mình, chứ không phải kiểm soát và răn đe.
(Theo hocthenao.vn)