Tác giả: Nguyễn Hải
NXB: Giáo dục
Đất nước Việt Nam vốn có nền văn hiến lâu đời. Gây dựng, bồi đắp cho sự nghiệp phát triển nền giáo dục của nước nhà mỗi ngày thêm phong phú và rực rỡ có công lao không nhỏ của lớp lớp các nhà giáo Việt Nam. Có biết bao thế hệ nhà giáo đã đang nhóm lửa, giữ lửa và truyền lửa cho các thế hệ học trò trong quá trình phát triển nền văn hiến của dân tộc. Các nhà giáo đã làm vẻ vang thêm truyền thống của giáo giới, làm rạng danh cho dân tộc Việt Nam.
Nhân dịp kỉ niệm 34 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/2016), Thư viện nhà trường gửi tới các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh một cuốn sách hay với tựa đề NHỮNG NGƯỜI THẦY của nhà văn Nguyễn Hải để tôn vinh các nhà giáo, tôn vinh sự nghiệp trồng người và góp phần vào giữ gìn truyền thống “Tôn sư trọng đạo” nét đẹp của dân tộc. Bìa sách được trình bày rất trang nhã, với khổ 14,5 x 20,5 cm của Nhà xuất bản Giáo dục, với 368 trang nhưng có ý nghĩa giáo dục rất sâu sắc.
Cuốn sách gồm hai phần:
Phần 1: “Thời cựu học” viết về các nhà giáo: Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu...
Phần 2: “Thời tân học” viết về các nhà giáo: Dương Quảng Hàm, Đặng Thai Mai, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Khánh Toàn...
Tập sách viết về những tấm gương sáng với những câu chuyện sống động của các nhà giáo từ thời cựu học đến thời tân học. Từ trước cách mạng đến thời kì đổi mới. Lật từng trang sách chúng ta như được trở về từ quá khứ đến hiện tại. Đó là chân dung của những con người vĩ đại, đa tài, thông kinh, bác sử - những con người đã dành cả cuộc đời mình gắn liền với con chữ. Họ là những ông đồ trong quá khứ xa xưa, là những người thầy của thời hiện đại. Qua cuốn sách, chúng ta được gặp gỡ với những con người vĩ đại như Chu Văn An “Niềm tự hào bậc nhất của giáo giới Việt Nam”; Nguyễn Bỉnh Khiêm “Nhà giáo lừng danh thiên cổ”; Chu Văn An “Người thầy mẫu mực của nền giáo dục Việt Nam”, làm quan to trong triều nhưng vào các ngày lễ vẫn không quên về thăm thầy; Lê Quý Đôn nhà bác học, nhà sử học đại tài, một người thầy mẫu mực; Cao Bá Quát với giai đoạn kiên trì rèn chữ “Một thiên tài kì vĩ của nền văn học Việt Nam” luôn quan tâm đến việc đào tạo nhân tài. Nguyễn Đình Chiểu một nhân cách đáng trọng, vượt qua tật nguyền để sống có ích cho đời. Có thể nói, đó là những hạt giống muôn đời, là những ngôi sao bừng sáng trên bầu trời văn hiến nước nhà.
Ở “Thời tân học”, chúng ta hiểu thêm về thầy giáo Dương Quảng Hàm là một nhà giáo kiểu mẫu, một đại trí thức uyên thâm, nhân cách sáng trong, một đời lặng lẽ âm thầm chăm lo bảo tồn phát triển văn hoá sử nước nhà, tính mô phạm của thầy là tấm gương sáng để học sinh noi theo; Hay Giáo sư Đặng Thai Mai một “Nhà văn hóa cách mạng nhiệt thành”; Thầy Nguyễn Lân dẻo dai, cần mẫn đến tuổi nghỉ ngơi vẫn cặm cụi cho ra đời cuốn Từ điển dày 2210 trang với trên 3 triệu ngàn con chữ. Khi tiễn ông về nơi vĩnh hằng, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã viết vào sổ tang “Lòng yêu mến quốc văn và đạo đức người thầy suốt đời gắn bó với sự nghiệp giáo dục của GS - NSND Nguyễn Lân là tấm gương sáng cho các thầy giáo, cô giáo trong sự nghiệp phát triển nền giáo dục nước nhà trong thời kỳ đổi mới”. Hoặc chúng ta được gặp gỡ những danh nhân đã đi vào lịch sử như Cao Bá Quát, Võ Nguyên Giáp hay Hoàng Minh Giám…Những người đã có những đóng góp lớn lao cho lịch sử nước nhà và cho nền giáo dục dân tộc.
Đất nước Việt Nam thật đáng tự hào khi có những người thầy ưu tú. Bác Hồ kính yêu của chúng ta - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam trước lúc ra đi tìm đường cứu nước đã có thời kỳ dạy tại trường Dục Thanh - Phan Thiết, đó là thầy giáo Nguyễn Tất Thành. Có nhà giáo trở thành những nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng như: Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Giàu...
Truyền thống vẻ vang của giáo giới Việt Nam còn được tô thắm bằng chính máu đào của các nhà giáo cách mạng. Trong 6 đồng chí lãnh đạo cuộc khởi Nam Kỳ bị Pháp bắt và kết án tử hình có tới 4 đồng chí là nhà giáo là Phan Đăng Lưu, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần và Nguyễn Hữu Tiến.
Trong kháng chiến chống Mỹ, lực lượng giáo viên đã góp bao xương máu, trí tuệ của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Họ là những nhà giáo, những chiến sĩ vừa cầm bút vừa cầm súng, gương cao ngọn cờ yêu nước chống Mỹ đòi hòa bình, độc lập, tự do, tham gia trực tiếp vào cuộc kháng chiến của dân tộc.
Qua mỗi trang sách là một trang tư liệu về thời đại, về con người với những lời bình luận, nhận xét khách quan và đầy trân trọng. Thông qua tấm gương sáng về những người thầy, những tấm lòng cao cả, những cốt cách vị tha nơi những nhà sư phạm mẫu mực qua nhiều thế hệ được giới thiệu trong cuốn sách giúp các em học sinh càng thêm yêu quý và kính trọng các thầy, các cô giáo hơn. Mong các em học sinh hãy cố gắng học tập tốt và rèn luyện về mọi mặt để xứng đáng với công lao của các thầy cô giáo. Đây là một sự tri ân đối với những người thầy đã và đang âm thầm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Trân trọng mời các bạn đến thư viện nhà trường để tìm đọc!
Bùi Thị Kim Dung - Ban Hành chính