Trải qua lịch sử ngàn năm tồn tại và phát triển, với truyền thống dựng nước và giữ nước vẻ vang, thủ đô Hà Nội đã ghi và lưu giữ lại những dấu ấn đậm nét của lịch sử dân tộc. Tính đến ngày 1/4/2014, trên địa bàn 30 quận, huyện và thị xã của Hà Nội có 5.175 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có nhiều di tích lịch sử cách mạng - kháng chiến và lưu niệm Chủ Tịch Hồ Chí Minh.
Gần nửa thế kỷ kể từ những năm vận động thành lập Đảng (Những năm 20 của thế kỷ XX) đến khi đế quốc Mỹ phải chịu thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, trên địa bàn Hà Nội hiện nay có gần 300 di tích, địa điểm di tích lịch sử cách mạng - kháng chiến, đã trở thành những địa chỉ đỏ gắn liền với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Chủ Tịch Hồ Chí Minh và chiến công oai hùng của quân dân Hà Nội.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, Hà Nội là nơi Người ở, làm việc lâu nhất và cũng là nơi Người dành sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt. Với 292 di tích và địa điểm di tích lưu niệm Chủ Tịch Hồ Chí Minh, Hà Nội là địa phương có số lượng địa danh, địa điểm lưu niệm, tượng đài, di tích về Bác Hồ đa dạng, phong phú nhất và nhiều nhất so với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Thư viện nhà trường trân trọng giới thiệu đến các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh cuốn sách mới HÀ NỘI DI TÍCH CÁCH MẠNG KHÁNG CHIẾN VÀ LƯU NIỆM CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH. Cuốn sách được nghiên cứu biên soạn công phu, do Tiến sĩ Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội chủ trì, với sự tham gia của các nhà khoa học, cán bộ quản lý văn hóa ở Trung ương và thành phố Hà Nội. Cuốn sách cũng được chắt lọc từ nhiều nguồn tài liệu, hồ sơ di tích, tuyển tập Hồ Chí Minh, lịch sử Đảng bộ thành phố, lịch sử Đảng bộ các quận, huyện, thị xã, phường, xã...Đây là cuốn sách viết về di tích cách mạng kháng chiến và di tích lưu niệm Chủ Tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội được biên soạn tương đối hệ thống có số lượng di tích, địa điểm di tích cách mạng kháng chiến và lưu niệm Chủ Tịch Hồ Chí Minh nhiều nhất.
Cuốn sách gồm 3 phần chính và phần phụ lục:
Phần thứ nhất: Tổng quan
- Khái quát phong trào yêu nước và cách mạng của nhân dân Hà Nội từ khi thực dân Pháp xâm lược đến khi đất nước hòa bình, thống nhất (1872-1975).
- Chủ Tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội.
- Bảo tồn và phát huy giá trị di tích cách mạng - kháng chiến và di tích lưu niệm Chủ Tịch Hồ Chí Minh là công việc quan trọng, cấp thiết.
Phần thứ hai: Di tích và địa điểm di tích cách mạng - kháng chiến ở Hà Nội.
- Thời kỳ đầu thế kỷ XX đến năm 1930.
- Thời kỳ từ năm 1931 đến1945
- Thời kỳ từ năm 1946 đến 1954
- Thời kỳ từ năm 1955 đến 1972
Phần thứ ba: Di tích và địa điểm di tích lưu niệm Chủ Tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội.
Hy vọng cuốn sách sẽ giúp ích cho các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh trong việc giáo dục truyền thống cách mạng và kháng chiến, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.
Trân trọng giới thiệu cuốn sách tới các bạn đọc.
Bùi Thị Kim Dung - Ban Hành chính