Bài thi tiếng Anh nên viết câu ngắn gọn, đơn giản, không nên dùng câu phức. Với môn Toán, cần tránh tâm lý chủ quan vì kiến thức không nặng mà thời gian thi dài.
Theo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 có một số thay đổi trong đề thi như: đề Ngữ văn có hai phần đọc hiểu và làm văn; Đề Ngoại ngữ có hai phần viết và trắc nghiệm. Thí sinh làm bài trắc nghiệm trước, hết thời gian cho phần này thì nộp phiếu trả lời cho giám thị sau đó mới làm bài phần viết. Mức điểm liệt là 1,0 điểm trở xuống, thay vì 0 điểm như mọi năm.
Môn Anh: Viết câu đơn giản
Theo một số giáo viên dạy Ngoại ngữ, việc quy định thêm phần thi viết bên cạnh thi trắc nghiệm làm nhiều học sinh không dám đăng ký thi. Kết quả thống kê, lượng thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT môn này trên cả nước chỉ gần 16%.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, các thí sinh nên lưu ý làm bài viết môn tiếng Anh một cách rõ ràng, dùng câu ngắn gọn, dễ hiểu, tránh dùng câu phức
Cô Phùng Thị Đông, giáo viên THPT Sơn Tây, Hà Nội cho biết, học sinh trường mình chọn thi môn ngoại ngữ không cao, chủ yếu là thi chuyên Anh và thi đại học khối A1. Với những học sinh này việc thay đổi trong cách thi ngoại ngữ không gây nhiều khó khăn. Còn với các học sinh nhiều năm chỉ phải thi theo hình thức trắc nghiệm, không được rèn kỹ năng viết sẽ là thử thách lớn.
Để làm tốt bài thi Ngoại ngữ, theo cô Đông, học sinh không nên tham kiến thức. Nhiều học sinh có chủ đề hay nhưng vốn từ vựng chưa đủ và việc cố gắng chuyển ngữ sang tiếng Anh cũng dễ sai ngữ pháp. "Giải pháp tối ưu là các em viết câu ngắn gọn, dễ hiểu, tránh viết những câu phức", cô Đông nói.
Môn Toán: Cẩn thận là trên hết
Thầy Nguyễn Mạnh Cường, giáo viên trường THPT Chu Văn An, Hà Nội cho rằng, điều quan trọng nhất khi làm bài là tính cẩn thận vì kiến thức trong đề không nặng.
Theo thầy Cường, với học sinh đã ôn thi đại học môn Toán thì việc làm bài thi tốt nghiệp môn này "cực kỳ đơn giản". Nhưng chính điều đó dễ sinh ra tâm lý chủ quan của các em. Thầy Cường cảnh báo và khuyên thí sinh kiểm tra kỹ lại bài sau khi đã hoàn thành vì thời gian thi môn Toán dài.
Để đạt điểm cao ở môn Toán, theo thầy Cường, thí sinh cần ôn kỹ kiến thức sách giáo khoa, làm các đề trong sách ôn tập và tham khảo đề thi các năm trước bởi việc ra đề là theo khung.
"Đề thi bao giờ cũng có phần kiến thức cơ bản và câu khó hơn để phân loại học sinh. Do đó, các em làm cẩn thận, chắc chắn câu 1 Hàm số sẽ được 3 điểm, câu 2, 3 cũng dễ kiếm điểm. Nhưng các em học sinh thường hay mất điểm ở phần Hình do tính toán sai, cần học kỹ công thức tính toán để tránh những sai sót mất điểm đáng tiếc", thầy Cường nói.
Vật dụng được mang vào phòng thi
Về các vật dụng được mang vào phòng thi, Bộ GD&ĐT quy định: thí sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, Atlat địa lý Việt Nam đối với môn thi Địa lý (do nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành, không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì).
Ngoài ra, thí sinh được phép mang các loại máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.
Với máy tính, Bộ quy định thí sinh được phép mang các máy tính cầm tay vào phòng thi là máy tính không có chức năng soạn thảo văn bản (như tính năng ghi chép, ghi số điện thoại…), không có thẻ nhớ cắm thêm vào.
(Theo VnExpress.net)