Ngày 30/4/1975 đại thắng mùa xuân đã làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ ở Miền Nam, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh kéo dài nhất, khó khăn nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta. Lịch sử cách mạng Việt Nam đã từng ghi dấu biết bao chiến công oanh liệt. Có những chiến công là những sự kiện lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và có những những chiến công chỉ được ghi lại trong kí ức của những người lính. Đó là những chiến công được bắt đầu từ sự hi sinh mất mát, đau thương vô cùng lớn lao của những chiến sĩ cảm tử quân. Thắng lợi cách mạng của dân tộc ta được đổi bằng máu và nước mắt, bằng cả những sự hi sinh thầm lặng ấy. Để có được cuộc sống hòa bình, yên vui như ngày hôm nay chúng ta không thể quên những chiến công hy sinh to lớn của biết bao người con ưu tú của dân tộc.
Nhân dịp kỉ niệm 44 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2019). Thư viện Nhà trường xin trân trọng giới thiệu tới các bạn đọc cuốn sách HẢI ĐOÀN CẢM TỬ của tác giả Cao Văn Liên để giúp các em học sinh hiểu thêm về truyền thống đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành năm 2010, sách dày 101 trang, khổ 12x19 cm. Nổi bật trên bìa sách là hình ảnh một con tàu nhỏ bé lẻ loi lênh đênh trên biển cả mênh mông nhưng con tàu ấy đã làm nên một sử thi bi hùng mở ra đường mòn Hồ Chí Minh trên biển.
HẢI ĐOÀN CẢM TỬ là cuốn truyện tóm lược về Trung đoàn 125 thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam. Trung đoàn được thành lập với nhiệm vụ vận chuyển vũ khí đạn dược thuốc men từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam bằng đường biển. Trang bị phương tiện cho đồng bào miền Nam đánh bại chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Trung đoàn đã mở “Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển” đóng một vai trò cực kì quan trọng trong việc chi viện cho tiền tuyến vào thời điểm khó khăn nhất của cách mạng Miền Nam. Sau khi có đường Trường Sơn, “Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển” vẫn giữ một vai trò quan trọng đối với Miền Nam mà không có con đường nào có thể thay thế được. Cuốn sách gồm 13 câu chuyện khác nhau kể về những chuyến đi biển của những chiến sĩ hải quân, về chiến công oanh liệt, vang dội của các chiến sĩ Hải quân không tiếc thân mình làm nên lịch sử. Những câu chuyện trong tập sách này chỉ là một phần rất nhỏ trong kho tàng bí ẩn của lịch sử Trung đoàn 125.
Trung đoàn 125 hoạt động theo nguyên tắc bí mật và cảm tử. Hình thức bên ngoài giả dạng làm tàu đánh cá hoặc tàu chở dầu, ở dưới khoang chất đầy súng đạn và thuốc nổ, mọi người mặc thường phục gặp địch không được tác chiến và phải tránh, khi ném hàng vào bờ bến gần căn cứ là hoàn thành nhiệm vụ; trường hợp bất đắc dĩ bị địch vây ép tràn xuống khám xét thì bấm nút điện tiêu diệt luôn tàu địch. Do tính chất bí mật mà biết bao chiến công oanh liệt, thần kì của những chiến sĩ cảm tử đó chỉ lưu lại trong kí ức của từng chiến sĩ trung đoàn qua nhiều thế hệ ở khắp các mọi miền Tổ quốc.
Đến đầu năm 1972, tác giả Cao Văn Liên vinh dự được làm lính của Trung đoàn và bắt đầu tham gia vào những cuộc vận tải bí mật kỳ lạ của những con tàu không số cho đến hết chiến tranh. Tác giả đã từng chứng kiến những gian khổ, hy sinh tinh thần anh dũng kiên cường, những chiến công oanh liệt thần kỳ của đồng đội. Những câu chuyện trong HẢI ĐOÀN CẢM TỬ phần lớn là sự thật mà chính tác giả được nghe hay từng là nhân chứng. Tuy nhiên đó chỉ mới là một phần rất nhỏ trong kho tàng bí ẩn của lịch sử Trung đoàn.
Xuyên xuốt cuốn sách là ký ức đấu tranh của những người lính trung kiên tìm cách bắt liên lạc với miền Bắc bằng đường biển. Người chiến sĩ ấy đã vượt qua bao gian nan vất vả, tham gia vào những cuộc vận chuyển bí mật kỳ lạ của những con tàu không số cho đến khi hoà bình thống nhất đất nước. Mỗi trang sách ta thấy được sự hi sinh anh dũng của các chiến sĩ cảm tử: “Bốn chiếc tàu tuần dương chia thành 4 mũi tấn công, tình hình vô cùng khẩn cấp toàn bộ tàu có thể phải hi sinh. Họ đã đón nhận cái chết vô cùng bình tĩnh. 24 con người, 4 tàu địch, 200 tấn thuốc nổ, đạn dược tạo thành một tiếng nổ khủng khiếp, các vòm lửa khổng lồ dựng cao ngút trời, những làn sóng cực mạnh hất tung lên trời. Sự hi sinh của họ anh dũng lẫm liệt khiến cho hải quân Mỹ - Sài Gòn luôn kinh hoàng run sợ khi nhắc đến Hải quân cảm tử”.
Từ năm 1959 đến tháng 4/1975 Hải đoàn đã vận chuyển không biết bao nhiêu tấn đạn dược vũ khí và thuốc men cho bộ đội ra giải phóng và tiếp quản đảo Trường Sa, Phú Quốc. Họ còn có nhiệm vụ thiêng liêng ra đón các đồng chí bị cầm tù ở Côn Đảo trở về. Nơi đó không còn là địa ngục trần gian nữa mà mặt biển của ngày chiến thắng, con tàu trở về trong đầy ắp tiếng nói cười hát ca vui nhộn. Từ đó họ chấm dứt những năm tháng tàu không mang số hiệu, họ được mặc quân phục, lá cờ tổ quốc bay trên bong tàu của họ và chính họ đã viết lên khúc ca khải hoàn. Nhưng trong khúc ca khải hoàn đó họ vẫn không quên những đồng đội đã ngã xuống: Chào các anh! Tổ quốc không bao giờ quên các anh, các anh là bất tử, là vĩnh hằng như cuộc sống.
Với nghệ thuật tả thực chân thật sắc nét, giọng văn trầm hùng bi tráng, chúng ta thấy rõ những khó khăn gian khổ, mất mát hi sinh, cảm nhận được sự hào hùng bất khuất của những chiến sĩ. Khắc hoạ tính cách nhân vật hiên ngang quả cảm. Lời kể tự sự chân thành mộc mạc khắc hoạ sâu đậm thời kỳ oanh liệt, tác giả đã gửi vào đó cả tấm chân tình, có lúc giọng văn vui tươi trong miền hân hoan của ngày chiến thắng.
Gấp cuốn sách lại mỗi chúng ta đều thấy tự hào về những chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã chiến đấu không mệt mỏi, sẵn sàng hy sinh thân mình để phục vụ cho Tổ quốc. Để xứng đáng với công lao của những anh hùng đã cống hiến tuổi xuân cho Tổ quốc. Thế hệ trẻ chúng ta hãy phấn đấu học tập, rèn luyện để để thành những người công dân giúp ích vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hy vọng các em hãy tìm đọc để hiểu hơn về những gian nan vất vả vượt qua những hiểm nguy của thiên nhiên, bom đạn của các chiến sĩ Hải quân những con tàu không số, đường mòn Hồ Chí Minh trên biển và Hải đoàn cảm tử.
Trân trọng kính mời các bạn đọc!
Ban Hành chính-Bùi Thị Kim Dung
|