NHỮNG ANH HÙNG TUỔI TRẺ
Trong lịch sử thời kỳ đấu tranh giữ nước của dân tộc ta, tuổi trẻ Việt Nam luôn có những đóng góp xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lịch sử được Đảng, Bác Hồ và cả dân tộc giao phó. Dù trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ dù phải hy sinh cả tính mạng khi còn ở tuổi thanh xuân thì thế hệ trẻ với những cái tên đã đi vào lịch sử như Lý Tự Trọng, Võ Thị Sáu, Lê hồng Phong...vẫn luôn nêu cao tinh thần bất khuất, chí khí anh hùng, lẫm liệt để gìn giữ lý tưởng sống mà họ truyền lại cho nhiều thế hệ thanh niên viết tiếp trang sử vàng chói lọi của dân tộc Việt Nam.
Nhân dịp kỷ niệm 44 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2019) và kỷ niệm 133 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886-1/5/2019). Thư viện Nhà trường xin trân trọng giới thiệu cuốn sách NHỮNG ANH HÙNG TUỔI TRẺ của nhiều tác giả, do Nhà xuất bản Trẻ phát hành, khổ 13 x19 cm, gồm 149 trang. Cuốn sách giới thiệu 12 chân dung anh hùng-12 câu chuyện chỉ là một tập hợp rất nhỏ trong số hàng vạn anh hùng có tên hoặc chưa được sử sách Việt Nam lưu danh. Đó là những người trẻ tuổi yêu nước, dám đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng cao đẹp. Mỗi nhân vật được tái hiện lại ở lát cắt ấn tượng nhất, thể hiện khí phách của nhiều thế hệ đã không tiếc máu xương thắp lên ngọn lửa yêu nước bằng chính trái tim và cả mạng sống của mình. Thông qua những mẩu chuyện, tác phẩm phác họa chân dung những con người giản dị nhưng khi Tổ quốc cần họ đã trở thành một phần của bức tường ngăn bước quân xâm lược. Những tấm gương hoạt động cách mạng, chiến đấu giữ nước của bao thế hệ cha anh chúng ta: Anh Lê Hồng Phong (Tới phút cuối cùng vẫn một lòng tin tưởng). Chị Nguyễn Thị Minh Khai (Bí danh: Vững chí bền gan). Anh Lý Tự Trọng (Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường Cách Mạng và không thể là con đường nào khác). Anh Kim Đồng (Cánh chim đầu đàn).
Và đặc biệt là chị Nguyễn Thị Sáu-Cô gái miền Đất đỏ hiên ngang bất khuất đi giữa hai hàng súng mà vẫn ung dung mỉm cười, không một chút khuất phục. “Khi chị vừa 12 tuổi thấy cảnh giặt Pháp và bọn tay sai hà hiếp bắt bớ giết hại đồng bào ở ngay trên quê hương và các vùng lân cận, chị Sáu căm thù lũ giặc dã man. Sáu cùng anh lên chiến khu, có công tác nào phù hợp thì nhận làm. Không ngờ việc đầu tiên chị thực hiện lại vô cùng nguy hiểm. Chị nhận trái lựu đạn, đem lọt vào quê hương Đất Đỏ nhân dịp thuận lợi chị quăng trúng một tên quan Ba Pháp và mấy chục tên lính khác. Ở làng chị có tên cai tổng tên Tòng, là một tên tay sai bán nước khét tiếng gian ác, hãm hại dân lành, gây bao tang tóc. Lúc này chị Sáu nhận lựu đạn giết nó. Bị vòng vây của giặc thít chặt, chị bị bắt. Bắt được chị Sáu, giặc mừng lắm tra tấn chị cốt khai thác được địa điểm, nhân sự các tổ chức cách mạng của chúng ta. Mặc dù bị tra tấn tàn nhẫn nhưng chị vẫn kiên cường. Cuối cùng không khai thác được gì ở chị, bọn giặc quyết định án tử hình đày chị lên Côn Đảo đợi ngày xử bắn”. Cô gái miền Đất đỏ hiên ngang, bất khuất đi giữa hai hàng súng mà vẫn ung dung mỉm cười, chị cài hoa lên mái tóc và hát một bài ca yêu nước. Chị hiên ngang nhìn thẳng vào họng súng đang nhằm vào chị mà hô lớn “Việt Nam hoàn toàn độc lập và thống nhất muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!”
Hay người anh hùng Lê Văn Tám, Em còn nhỏ tuổi nhưng với lòng yêu nước, căm thù bọn xâm lược. “Hàng ngày thấy cảnh đồng bào ngoài vùng tự do bị bom đạn giặc tàn sát, thái độ bọn lính ngạo mạn, hỗn xược coi rẻ bà con, cô bác. Mỗi ngày lòng thù hận càng tăng lên Lê Văn Tám tìm cách trả thù. Mỗi ngày đi bán lạc, Tám thường ghé sang trạm gác kho xăng và đạn khá lớn của giặc ở khu vực trung tâm thành phố. Bọn lính hồi đầu còn vẫy tay xua, nhưng hồi sau quen dần cũng mặc. Nét mặt Tám cũng dễ mến, cử chỉ lanh lợi nên không bao lâu quen được bọn lính đồn trú, có lúc vào qua cả rào chắn. Tám nhớ rất kỹ kho xăng dầu, xe cộ ra vào thế nào, thời gian đổi gác. Một hôm Tám đem lạc rang vào bán cho bọn lính chờ lừa bọn lính đến đổi gác cho nhau, Tám chạy như bay vào chỗ để những phuy xăng gần nhất nơi có cả những can dầu, em móc hộp quẹt giắt sẳn trong người, bật lửa...một ngọn lửa lớn bùng lên, tiếng nổ liên tiếp rền vang. Bọn lính chỉ còn kịp thấy thoáng thằng bé bán lạc rang trong khói lửa dày đặc, lao vút sâu thêm như một ngọn đuốc rồi hòa vào kho lửa bùng cháy dữ dội”. Em dũng cảm hy sinh thân mình để đốt cháy kho xăng và kho đạn lớn của giặc. Nhân dân cả nước nhắc tới tấm gương hy sinh oanh liệt vì đất nước, vì dân tộc của Lê Văn Tám đều quen gọi người thiếu niên anh dũng ấy là “Anh đuốc sống”.
NHỮNG ANH HÙNG TUỔI TRẺ là nét phác thảo chân dung về những người anh hùng sống mạnh mẽ và tuyệt vời như huyền thoại - một huyền thoại được viết bằng chính trí tuệ Việt Nam, tâm hồn Việt Nam. Một thế hệ đã được lớn lên trong lửa đỏ, được tôi rèn sống mạnh mẽ. Giản dị nhưng vô cùng đẹp đẽ, họ là tấm gương để thế hệ trẻ soi vào và tìm thấy một chân lý về người Việt Nam: khi đất nước có giặc ngoại xâm, muôn người như một hợp thành bức tường vững chắc ngăn chặn bước chân xâm lược của kẻ thù. Khi trời yên biển lặng, những con người ấy lại thầm lặng lao động, dựng xây bảo vệ quê hương, đất nước.
Mong các bạn tìm đọc để cảm nhận sâu sắc thêm về một thời kỳ lịch sử gắn liền với những câu chuyện anh hùng của tuổi trẻ cả nước. Họ là những tấm gương hoạt động cách mạng, chiến đấu giữ nước của bao thế hệ cha anh chúng ta, dù trải qua bao năm tháng, vẫn luôn là bài học sống động, hào hùng.
Trân trọng kính mời các bạn đọc!
Ban Hành chính-Bùi Thị Kim Dung