Đường bờ biển Việt Nam dài trên 3260 km kéo dài từ Móng Cái đến Hà Tiên. Vươn trải ra hướng đông, biển của ta có trên 4000 hòn đảo lớn nhỏ. Biển như lòng mẹ bao la mang đến cho ta bao nguồn lợi thủy hải sản, nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Biển chứa chan tình yêu thương vẫn ngày đêm vỗ sóng vào bờ. Biển đảo Việt Nam trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Điều này đã được chứng minh bằng lịch sử và các tài liệu khoa học. Các tư liệu khoa học và pháp lý được công bố hiện nay đều thể hiện quá trình khai phá, chiếm hữu và thực thi chủ quyền liên tục, của Việt Nam suốt chiều dài lịch sử.
Tuy nhiên những năm gần đây, Trung Quốc đã có nhiều hành động xâm hại đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam: Bắt ngư dân Việt làm ăn, tấn công các tàu Việt trên vùng biển chính của Việt Nam, ngang ngược xây dựng thành phố Tam Sa trên quần đảo Hoàng Sa, đặt giàn khoan HD 981 trái phép… Những hành động nói trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam; vi phạm Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10/2011; trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Tuyên bố cấp cao kỷ niệm 10 năm DOC, làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp.
Từ thuở đội hùng binh Lý Sơn mang gươm vẽ biển, nước ta có Hoàng Sa, Trường Sa với bao đảo nổi đảo chìm. Kí ức về trận chiến ở Đảo Gạc Ma năm 1988 có lẽ không ai có thể nào quên. Đó là trận hải chiến mà ông cha ta đã dốc hết sức lực, dùng tất cả sức mạnh để đấu tranh chống kẻ thù Trung Quốc hiểm độc. Ở nơi đó các chiến sĩ đã dâng hiến tuổi xuân xanh của mình vì độc lập chủ quyền của dân tộc. Các anh hi sinh nhưng trên tay vẫn ôm trọn lá cờ tổ quốc, quyết chiến một lòng một dạ. Hằng năm, những chuyến tàu vẫn đều đặn chở đoàn công tác từ đất liền ra Trường Sa. Mỗi lần đi qua Gạc Ma, những người con đất Việt không quên thả vòng hoa tưởng niệm.
Nay trong thời bình, hàng trăm ngàn những người lính đã gác lại đời tư, tạm biệt những vùng quê, tạm biệt những thành phố phồn hoa đô hội để đến với biển đảo canh giấc ngủ bình yên cho nhân dân. Giữa bao nhiêu thiếu thốn và cô đơn, những người lính ấy vẫn quyết bám đảo, bám biển để bảo vệ vùng trời biển thiêng liêng mà bao liệt sĩ đã ngã xuống khi cuộc đời còn rất trẻ. Mặc dù chiến tranh tàn khốc đã thôi không trở lại, nhưng những âm mưu độc chiếm, âm mưu muốn tranh giành lãnh thổ của các nước “láng giềng’’ vẫn còn sôi sục đó đây. Biển vẫn ngày đêm sóng dữ chưa nguôi. Các anh, những người lính trẻ không màng khó khăn, ngày đêm chiến đấu. Các anh mang trong mình tư thế sẵn sàng, tay cầm súng, đầu mang chí lớn đối mặt với hiểm nguy, can trường và vững chãi, hiên ngang giữa mênh mông biển cả. Điều đó cho thấy dù có bao nhiêu chông gai, bao nhiêu khó khăn thử thách trước mắt, những người lính biển đảo cao cả đó vẫn ngày đêm rèn luyện, vẫn nung nấu ý chí, dũng khí để bảo vệ quê nhà.
“Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển
Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa
Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc
Các con nằm thao thức phía Trường Sa
Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả
Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn”
Mỗi lần đọc bài thơ này của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, chúng ta lại thấy hiện lên thật kiêu hãnh dáng đứng của những người lính đảo xa giữa mênh mông đại dương đang canh giữ cho quê hương yên bình giấc ngủ.
Khi sinh ra, chúng tôi đã sống trong thời bình, bom đạn chiến tranh, những ngày đói khổ dường như chưa từng biết đến và trải qua. Chúng tôi chỉ biết lịch sử, quá khứ đáng tự hào của dân tộc qua những trang sách sử, qua báo đài. Từ những trang sách ấy chúng tôi đã lớn lên chan chứa một tinh thần biết ơn với tiền nhân, với quá khứ. Bởi nếu không có thế hệ cha anh đã ngã xuống trong biết bao nhiêu cuộc chiến vệ quốc vĩ đại thì chắc chắn chúng tôi không có mặt trên đời. Ngày nay, dù chiến tranh đã đi qua, đất nước đã hòa bình và phát triển, nhưng biển xa vẫn canh cánh mối lo hiểm họa xâm lăng của các thế lực thù địch. Nên nhiệm vụ của tuổi trẻ, nhiệm vụ của mỗi công dân lại được đặt lên trên hết.
Để bảo vệ chủ quyền biển đảo, trước hết thanh niên và thanh niên học sinh nói riêng phải xác định phải giữ biển đảo bằng tri thức về chủ quyền biển đảo. Chúng ta cần nghiên cứu và nhận thức sâu sắc về ý nghĩa thiêng liêng chủ quyền biển đảo và giá trị to lớn chủ quyền mà ông cha ta đã đổ xương máu để xây dựng; về lịch sử Việt Nam đặc biệt là lịch sử địa lý liên quan đến chủ quyền biển đảo, về lịch sử hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa… tìm hiểu rõ chính sách ngoại giao nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề biển Đông cũng như nội dung của luật pháp, chế độ pháp lý của các vùng biển theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.
Thanh niên cần hưởng hứng và tích tực các diễn đàn hợp pháp trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên internet, khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên các diễn đàn, đồng thời kịch liệt lên án và đấu tranh tham gia ngăn chặn các hành vi xâm phạm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Thanh niên là hậu phương chỗ dựa tình cảm vững chắc đối với các lính biển đảo, bằng những việc làm thiết thực như gửi thư đến các lính hải đảo để chia sẻ động viên và tiếp sức cho các anh thêm nghị lực để trông giữ biển đảo.
Điều quan trọng nữa là chúng ta không ngừng tu dưỡng phẩm chất người Việt Nam mới, tích cực tham gia xây dựng đất nước giàu mạnh, có định hướng lý tưởng yêu nước và đoàn kết thì chúng ta sẽ kết nối khối sức mạnh lớn đủ sức bảo vệ chủ quyền biển đảo. Bên cạnh đó sẵn sàng chuẩn bị tinh thần tham gia trực tiếp vào công cuộc giữ gìn biển đảo quê hương bằng tất cả những gì mình có thể.
Trách nhiệm của tuổi trẻ là ra sức gìn giữ toàn vẹn phần lãnh thổ này của cha ông truyền lại như lời Bác Hồ năm xưa đã dặn “các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”. Chúng tôi, dù mang trong mình lòng ngưỡng mộ biết ơn với các thế hệ cha anh, nhưng như thế vẫn là chưa đủ, chúng tôi vẫn khao khát được một lần mang trên vai bộ quân phục của những người lính hải đảo, sẽ hành quân trên vùng biển đảo xa xôi đó. Vâng! Khi tổ quốc cần, ta phải biết hi sinh.
Phạm Trung Cường
HS lớp 10D, năm học 2014-2015